Quang Trung

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Quang Trung Đại Đế Nguyễn Huệ (1753 - 1792)

VietnamDefence - “Mắt sáng như chớp, tiếng nói như chuông, khôn ngoan trí xảo hơn người, giỏi chiến trận, không ai là không phải khiếp sợ” - Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30).
1. Bước khởi đầu của một sự nghiệp lớn
Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ - Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bình Định
Nguyễn Huệ sinh năm 1753, có nghĩa là khi tham gia chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, ông còn ở tuổi vị thành niên (Phần lớn các thư tịch cổ và tài liệu dân gian đều nói Nguyễn Huệ là em Nguyễn Nhạc và là anh Nguyễn Lữ. Một vài giáo sĩ nước ngoài có mặt ở nước ta lúc bấy giờ, như Labartette chẳng hạn, thì nói Nguyễn Huệ là em Nguyễn Lữ. Nhưng ghi chép của họ cũng có chỗ tỏ rõ chưa ổn, sức thuyết phục chưa cao - Xem Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ). Năm 1771, khi chính thức trở thành một trong ba lãnh tụ cao nhất của Tây Sơn, Nguyễn Huệ vừa tròn 18 tuổi. Trong hàng các bậc danh tướng kiệt xuất nhất của lịch sử nước ta, rất hiếm thấy những trường hợp bắt đầu sự nghiệp sớm như thế.
Trong quá trình chuẩn bị, nếu như Nguyễn Nhạc là người chịu trách nhiệm bao quát chung, Nguyễn Lữ là người gần như chỉ chủ yếu là chuyên lo sản xuất và tích trữ lương thực, thì Nguyên Huệ, ngay từ đầu đã là người trực tiếp cầm quân. Ở Tây Sơn có Hòn Ông Bình, tương truyền đó chính là nơi thuở xưa Nguyễn Huệ huấn luyện binh mã trước khi xuất quân khởi nghĩa (Xem Khởi nghĩa Tây Sơn).
Tài năng quân sự của Nguyễn Huệ lần đầu tiên thể hiện rõ nhất là ở việc vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy xây dựng một chiến lũy rất dài, nối liền Hòn Ông Nhạc, Hòn Ông Bình với Hòn Lãnh Lương. Đó là chiến lũy nằm án ngữ trục đường qua đèo An Khê, đủ để ngăn chặn những cuộc tấn công của quân đội Chúa Nguyễn lên vùng Tây Sơn Thượng Đạo. Nay chiến lũy do Nguyễn Huệ chỉ huy xây đắp chỉ còn dấu tích một số đoạn ngắn mà thôi.
Năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Nguyễn Huệ là một trong số những tướng lĩnh cao cấp đầu tiên và ông đã cầm quân xông pha trận mạc như thế cho đến tận phút cuối của cuộc đời mình. Nếu như hình ảnh của Nguyễn Nhạc luôn luôn gắn liền với hình ảnh của con tuấn mã có bộ lông màu trắng tuyệt đẹp, thì hình ảnh của Nguyễn Huệ luôn luôn gắn bó với thanh long đao có cán màu đen.
Tượng đài Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ
Thành phố Quy Nhơn
Ở vùng Tây Sơn, hiện vẫn còn có di tích một ngôi miếu, gọi là Miếu Xà và nhân dân địa phương hiện vẫn còn lưu truyền một sự tích khá ly kỳ như sau: lần đầu tiên xuất quân, Nguyễn Huệ và các tướng rất náo nức. Nhưng đoàn quân vừa rời khỏi căn cứ thì bỗng chựng lại, hàng ngũ phía trước tự dưng rối loạn. Nguyễn Huệ tới để kiểm tra nguyên do thì thấy có hai con rắn đen cực lớn nằm chắn ngang đường, cả hai đền vươn cổ lên, há miệng đỏ như đang ngậm máu. Quân sĩ Tây Sơn cho đó là điềm chẳng lành nên ngần ngại, không dám hăng hái đi tiếp. Nguyễn Huệ lập tức xuống ngựa, cung kính thi lễ và khấn rằng:
- Nay, anh em chúng tôi xuất quân là vì đại nghĩa. Nếu biết trước là sự nghiệp của chúng tôi sẽ thành công thì kính xin Xà Thần (Thần rắn) mở lối cho chúng tôi đi, còn như nếu biết trước được rằng, chúng tôi chỉ uổng công vô ích thì xin Xà Thần hãy trị tội mình tôi mà tha cho hết thảy nghĩa sĩ đều được trở về với gia đình, vợ con.
Không ngờ, Nguyễn Huệ vừa khấn xong thì cả hai con rắn đen cực lớn kia đều quay đầu lại, thoăn thoắt tiến lên phía trước, mở đường cho cả đạo binh cùng đi. Đi được một quãng đường khá xa thì bỗng một con rắn lao nhanh vào bụi rậm và chốc lát sau thì trở ra, miệng ngậm một thanh long đao có cán màu đen, vươn cổ lên “trao” cho Nguyễn Huệ. Đó là thanh long đao cực bén, thế gian không ai có được. Nguyễn Huệ kính cẩn nhận lấy thanh long đao và thề sẽ vì đại nghĩa cứu dân, vì ân huệ của Xà Thần mà chiến đấu đến cùng. Hai con rắn đen nghe Nguyễn Huệ thề xong thì biến mất. Về sau, để tưởng nhớ ơn đức lớn lao của Xà Thần, Nguyễn Huệ đã cho dựng miếu thờ. Miếu ấy lâu ngày đã bị hoang tàn, di tích còn lại chính là Miếu Xà đã nói ở trên.

2. Tổng chỉ huy xuất sắc trận Phú Yên (năm 1775, năm 22 tuổi), tạo ra bước ngoặt quan trọng cho toàn bộ quá trình phát triển mạnh mẽ sau đó của phong trào Tây Sơn
Quang Trung Nguyễn Huệ
Năm 1774, lợi dụng lúc Chúa Nguyễn đang phải lúng túng đối phó với hàng loạt những cuộc tấn công của Tây Sơn, Chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Sâm đã sai Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc đem 3 vạn quân tiến thẳng vào Đàng Trong và chẳng bao lâu sau, Hoàng Ngũ Phúc đã chiếm được thủ phủ của Chúa Nguyễn. Toàn bộ tập đoàn họ Nguyễn phải tháo chạy vào Gia Định. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, Tây Sơn bị đẩy vào thế “lưỡng đầu thọ địch”. Ở mặt Bắc, quân Hoàng Ngũ Phúc bắt đầu vượt đèo Hải Vân. Ở mặt Nam, quân Nguyễn cũng phản công dữ dội. Trước sự xoay chuyển đột ngột và phức tạp của tình hình như vậy,Tây Sơn đã quyết định tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh. Mặt Bắc tạm yên, nhưng mặt Nam vẫn rất căng thẳng.

Năm 1775, hơn 2 vạn quân Nguyễn do Tống Phúc Hiệp chỉ huy đã ồ ạt đánh từ phía Nam đánh ra. Một dải đất rộng lớn và liên hoàn, tương ứng với các tỉnh ngày nay như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắc Lắc... mới được Tây Sơn giải phóng đã bị Tống Phúc Hiệp chiếm lại. Tống Phúc Hiệp còn đánh ra tận Phú Yên, tình hình trở nên rất nguy cấp. Tây Sơn chỉ còn giữ được một vùng đất tương ứng với các tỉnh ngày nay như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai nữa mà thôi.
Tống Phúc Hiệp đặt đại bản doanh ngay tại Phú Yên và lập 2 đại đồn, một ở Xuân Đài (cách Phú Yên chừng  4 km) và một ở Vũng Lấm (cách Phú Yên chừng 10 km). Nếu Xuân Đài là đại đồn của lực lượng bộ binh hùng hậu thì Vũng Lấm chính là đại đồn của lực lượng thủy binh cũng rất đáng gờm. Xuân Đài và Vũng Lấm là hai khu vực xuất phát, cũng là hai địa điểm tập kết rất lợi hại của Tống Phúc Hiệp. Thế đứng của Tống Phúc Hiệp được khẳng định khá vững vàng.
Trong khi khí thế quân Nguyễn đang được dần dần phục hồi thì ngược lại, phía Tây Sơn gặp không ít khó khăn. Ngoài việc đất đai bị thu hẹp, Bộ chỉ huy Tây Sơn cũng có sự tổn thất và xáo trộn. Bấy giờ, tướng Tập Đình đã bỏ trốn, còn tướng Lý Tài thì liên tiếp bị thua đau mấy trận liền, vì thế, hoang mang và uy thế giảm sút rất nhanh. Muốn đánh bại Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên, Bộ chỉ huy Tây Sơn không thể trao trọng trách chỉ huy chiến dịch cho tướng Lý Tài được nữa. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Huệ đã dũng cảm đảm trách sứ mệnh tổng chỉ huy chiến dịch này. Bấy giờ, Nguyễn Huệ vừa tròn 22 tuổi, nhưng, vị tướng rất trẻ này từng là người chỉ huy luyện tập quân sĩ trong thời kỳ Tây Sơn chuẩn bị khởi nghĩa, và quan trọng hơn, từng là tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc 4 năm trời. Tài năng bẩm sinh cộng với những kinh nghiệm thực tiễn quý giá đã tạo cho Nguyễn Huệ một bản lĩnh rất cao cường.
Để tạo yếu tố bất ngờ, trước lúc mở màn trận tấn công, Nguyễn Huệ đã cho người đến gặp Tống Phúc Hiệp để bàn hai việc lớn, một là tôn lập Nguyễn Phúc Dương (tức Hoàng Tôn Dương) lên làm Chúa và hai là kế hoạch phối hợp giữa Tây Sơn và Tống Phúc Hiệp trong việc chống lại quân Trịnh! Cuộc thương lượng giữa đại diện của Tây Sơn với Tống Phúc Hiệp đang tiến hành thì quân của Nguyễn Huệ tràn tới. Chỉ trong chớp nhoáng, thành Phú Yên bị hạ. Tống Phúc Hiệp phải bỏ thành Phú Yên chạy thục mạng. Tướng của Tống Phúc Hiệp là Nguyễn Văn Hiển ra sức chống trả đã bị giết ngay tại trận. Một viên tướng nữa của Tống Phúc Hiệp là Nguyễn Khoa Kiên bị Nguyễn Huệ bắt sống. Bộ binh của Tống Phúc Hiệp ở Xuân Đài vội vã tháo chạy khiến cho thủy binh ở Vũng Lấm cũng hốt hoảng rút ngay về phía Nam.
Tin Nguyễn Huệ thắng lớn ở Phú Yên nhanh chóng truyền vào Nam. Tướng của Chúa Nguyễn giữ chức Trấn thủ tại Bình Khang là Bùi Công Kế (Đại Nam liệt truyện, Tiền biên, quyển 4) cùng với thuộc tướng là Tống Văn Khôi lập tức đem quân đi cứu, nhưng vừa đến nơi, chưa kịp bày binh bố trận đã bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tành. Tống Văn Khôi bị giết tại trận, Bùi Công Kế phải lập tức rút hẳn về Bình Khang (một khu vực hành chính địa phương thời các Chúa Nguyễn. Khu vực này trong khoảng từ năm 1775-1790 có nhiều thay đổi. Khi Bùi Công Kế làm Trấn thủ, Bình Khang chỉ tương ứng với Khánh Hòa và một phần Đắc Lắc ngày nay).
Trận Phú Yên là trận có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đây, quân đội Chúa Nguyễn liên tiếp bị đại bại để rồi cuối cùng là bị đánh bật khỏi Gia Định. Từ đây, tên tuổi của Nguyễn Huệ nổi bật hẳn lên, tài năng quân sự của Nguyễn Huệ ngày một nở rộ.
Sau trận Phú Yên, theo yêu cầu của Nguyễn Nhạc, Hoàng Ngũ Phúc đã phải xin Chúa Trịnh là Trịnh Sâm phong cho Nguyễn Huệ chức Tây Sơn Hiệu, Tiên phong Tướng quân. Cũng sau trận Phú Yên, Nguyễn Huệ được lệnh ra ổn định tình hình Quảng Nam. Bấy giờ, Hoàng Ngũ Phúc rút quân khỏi vùng Quảng Nam, ra hẳn phía Bắc đèo Hải Vân, tuy nhiên, tay chân của Chúa Nguyễn ở vùng này cũng nhân đó mà nổi dậy chống Tây Sơn. Hai nhân vật nổi bật của đám tay chân này là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân. Chỉ trong một trận đánh chớp nhoáng, Nguyễn Huệ đã quét sạch lực lượng của Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân ra khỏi Quảng Nam. Toàn bộ vùng đất từ Quảng Nam vào đến Phú Yên do Tây Sơn quản lý, nhìn chung là ổn định. Ở tuổi 22, Nguyễn Huệ không phải chỉ là một vị tướng có tài mà còn là một người rất giàu năng lực tổ chức quản lý hành chính. Tóm lại, Nguyễn Huệ bắt đầu trở thành linh hồn của Tây Sơn kể từ đây.   
3. Tổng chỉ huy cuộc tấn công của quân Tây Sơn vào Gia Định lần thứ hai (năm 1777, năm 24 tuổi), hai nhân vật cao nhất của tập đoàn họ Nguyễn ở Đàng Trong là Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương đều bị giết
Năm 1776, khi Nguyễn Huệ đang lo trấn áp bọn tay chân của Chúa Nguyễn ở Quảng Nam và xây dựng chính quyền Tây Sơn ở vùng này, thì Nguyễn Lữ được lệnh đem quân tấn công vào Gia Định. Với Tây Sơn, đó là lần tấn công vào Gia Định thứ nhất. Nguyễn Lữ đã chiếm được thành Gia Định, thậm chí còn cho quân đánh xuống tận Long Hồ (khu vực tương ứng với vùng Vĩnh Long ngày nay), đuổi Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy về trốn ở Trấn Biên (một khu vực hành chính lớn bấy giờ, tương ứng với các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước ngày nay. Nguyễn Phúc Thuần trốn ở vùng Bà Rịa ngày nay), bắt sống được tướng của Chúa Nguyễn là Bùi Hữu Lễ... nhưng, sau đó thì rút về Quy Nhơn, Nguyễn Phúc Thuần lại mộ quân đánh chiếm Gia Định như cũ.
Bấy giờ, Tây Sơn có thêm một trở ngại mới. Hai tướng gốc thương nhân người Hoa là Tập Đình (chỉ huy đạo Trung Nghĩa quân) và Lý Tài (chỉ huy đạo Hòa Nghĩa quân) đều phản bội Tây Sơn. Trước đó, Tập Đình đã bỏ trốn, còn Lý Tài thì do nhiều phen bại trận, tinh thần và năng lực sa sút nghiêm trọng, cho nên trong trận Phú Yên, Lý Tài chỉ được giao làm phó tướng cho Nguyễn Huệ. Thay vì quyết chí lập công để sửa chữa sai lầm, Lý Tài đã tỏ ra bất mãn. Tướng của Chúa Nguyễn ở Phú Yên là Tống Phúc Hiệp biết rất rõ điều này nên đã chiêu hàng được Lý Tài (Đại Nam liệt truyện, Tiền biên, quyển 3). Trong Bộ chỉ huy Tây Sơn, vị trí của Lý Tài tuy không phải là lớn lao gì, nhưng, Lý Tài là một trong những người nắm được khá rõ sở trường, sở đoản của quân đội Tây Sơn, vì thế, tác hại của sự phản bội này cũng không phải là nhỏ.
Về phía Chúa Nguyễn, nội bộ cũng có những xung đột rất phức tạp. Tháng 6 năm 1776, sau khi tháo chạy từ Phú Yên trở về, Tống Phúc Hiệp lâm bệnh rồi mất. Cuộc tranh giành địa vị chi phối quân đội Chúa Nguyễn, giữa một bên là Lý Tài với một bên là Đỗ Thanh Nhơn bất đầu. Lý Tài tuy chỉ mới về đầu hàng, nhưng lực lượng quân lính mà Lý Tài nắm được cũng khá lớn. Tháng 10 năm 1776, Nguyễn Phúc Dương cũng trốn về (Trước tháng 10 năm 1776, Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn quản thúc tại Quy Nhơn) được ở Gia Định và dùng Lý Tài làm vây cánh cho mình. Cộng thêm số quân lính tùy tùng của Nguyễn Phúc Dương nữa, thanh thế của Lý Tài tăng lên rất nhanh. Đỗ Thanh Nhơn tự nhận là người không chịu đội trời chung với Tây Sơn. Đội quân do Đỗ Thanh Nhơn lập ra mang tên là Đông Sơn, theo cách giải thích của chính Đỗ Thanh Nhơn, cũng chỉ cốt để tỏ cái chí đối nghịch sâu sắc với Tây Sơn mà thôi.
Khi Lý Tài đem quân về Gia Định, Đỗ Thanh Nhơn buộc phải bỏ Gia Định mà chạy về Ba Giồng (tức Tam Phụ, nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Nguyễn Phúc Thuần bị Lý Tài bắt được và sau đó lại bị Lý Tài ép phải nhường ngôi cho Nguyễn Phúc Dương. Bởi lẽ này, xứ Đàng Trong từ đây có đến hai chúa, một là Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và hai là Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương. Lý Tài được phong làm Bảo giá Đại tướng quân. Cuộc xung đột nội bộ này đã làm cho thế và lực của tập đoàn họ Nguyễn bị suy giảm khá mạnh (Tuy trên danh nghĩa, Nguyễn Phúc Thuần là Thái Thượng Vương và Nguyễn Phúc Dương là Tân Chính Vương, nhưng trong thực tế, hai nhân vật này mâu thuẫn rất sâu sắc với nhau).
Lúc này, tình hình Quảng Nam đã tạm ổn, Bộ chỉ huy Tây Sơn quyết định cử Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy cuộc tấn công vào Gia Định. Tháng 3 năm Đinh Dậu (1777), đại binh Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu, chia làm hai đạo cùng tiến. Đạo thủy binh là đạo quân chủ lực, do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, vượt miền duyên hải khu vực Nam Trung Bộ ngày nay, đánh thẳng vào cửa Cần Giờ, sau đó, tấn công vào các đơn vị quân đội Chúa Nguyễn đóng ở chung quanh thành Gia Định. Đạo bộ binh nhỏ hơn, gồm chủ yếu là các đơn vị Tây Sơn đang đóng tại Phú Yên, có nhiệm vụ đánh mạnh vào khu vực tương ứng với các tỉnh ngày nay như Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, rồi tiến thẳng vào Gia Định.
Để đối phó với cuộc tấn công của lực lượng thủy bộ Tây sơn, tập đoàn họ Nguyễn quyết định phải chủ động vạch kế hoạch phòng ngự và khi thời cơ đến thì kiên quyết tổ chức phản công. Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương tự mình làm tướng, đem một đạo quân khá lớn đến Trấn Biên để sẵn sàng chặn đứng lực lượng bộ binh của Tây Sơn. Lý Tài cùng với Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần chỉ huy quân sĩ giữ vững thành Gia Định để khi thủy binh Tây Sơn đã mệt mỏi với trận đánh thành cam go thì sẽ tung quân ra đánh trận quyết định. Các tướng cầm quân đóng giữ ở các địa phương thì phải chuẩn bị trong tư thế có thể đi ứng cứu bất cứ lúc nào. Xét về phương diện lý thuyết, đây là một kế hoạch đối phó rất chắc chắn, khả năng thành công cũng rất cao. Tuy nhiên, điều mà tập đoàn họ Nguyễn không lường trước được là tài chỉ huy vừa táo bạo, thần tốc lại vừa biến hóa lạ lùng của Nguyễn Huệ. Diễn biến của trận đánh vì thế mà rất gọn gàng.
Trước hết, thủy binh do Nguyễn Huệ trực tiếp cầm đầu đã đánh thẳng một mạch từ Cần Giờ lên Gia Định và chẳng mấy chốc thì thành Gia Định thất thủ, Lý Tài phải bỏ cả Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần mà chạy về Hóc Môn.
Đạo quân do Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương chỉ huy, mới giáp chiến với Tây Sơn mấy trận ở Trấn Biên đã tỏ ra khó bề chống đỡ. Nguyễn Phúc Dương rút về Gia Định, tưởng để tăng cường sức mạnh cho Lý Tài, nhưng đến nơi thì Lý Tài đã bại trận, Nguyễn Phúc Dương phải cùng Nguyễn Phúc Thuần chạy ra Hóc Môn với Lý Tài.
Sau khi chiếm được thành Gia Định, Nguyễn Huệ cho một đạo quân ra Hóc Môn để truy kích Lý Tài đến cùng, Lý Tài đang điên cuồng chống trả và tình thế chiến trận đang ở lúc rất gay go thì một viên tướng của Chúa Nguyễn là Trương Phúc Thận đem quân tới cứu: Lý Tài lầm tưởng đó là quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn, nên đã vội vã tháo chạy. Trương Phúc Thận tự thấy không đủ sức để đối địch với Tây Sơn, bèn dẫn Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương về Tranh Giang (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).
Quân tan, lực kiệt... không còn con đường nào khác, Lý Tài phải chạy về Ba Giồng là khu vực đóng quân của Đỗ Thanh Nhơn. Cơ hội trả thù của Đỗ Thanh Nhơn đã đến. Nhơn cho quân đánh úp, bắt sống Lý Tài đem về giết đi. Cuộc xung đột giữa Đỗ Thanh Nhơn với Lý Tài đến đó là chấm dứt và mâu thuẫn nội bộ của tập đoàn họ Nguyễn cũng nhờ đó mà giảm dần. Bấy giờ, trong tôn thất họ Nguyễn có một nhân vật rất trẻ nhưng cũng rất đáng gờm là Nguyễn Ánh. Lúc này, Nguyễn Ánh đang dựa vào Đỗ Thanh Nhơn, khiến cho thế lực của Đỗ Thanh Nhơn phát triển rất nhanh. Tại Tranh Giang, tập đoàn họ Nguyễn quyết định một kế hoạch đối phó mới, theo đó thì:
- Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương và tướng Trương Phúc Thận chỉ huy lực lượng đóng tại Tranh Giang.
- Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần chỉ huy lực lượng đóng tại Tài Phụ (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).
- Nguyễn Ánh và Đỗ Thanh Nhơn chỉ huy lực lượng đóng tại Giá Khê (nay thuộc tỉnh Kiên Giang).
Ba cánh quân, ba vị trí, thủy bộ cùng phối hợp, sẵn sàng giao tranh với Tây Sơn và ứng cứu cho nhau khi cần... Một lần nữa, xét về mặt lý thuyết, đây quả thật là kế hoạch rất chặt chẽ. Nhưng, cũng một lần nữa, kế hoạch của tập đoàn họ Nguyễn bị Nguyễn Huệ đập tan.

Thủy quân Tây Sơn do đích thân Nguyễn Huệ cầm đầu đã đồng thời tấn công vào cả Tranh Giang và Tài Phụ. Chỉ với một trận, Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương và Trương Phúc Thận đã đại bại, phải bỏ Tranh Giang chạy về Ba Việt (nay thuộc Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre). Cũng chỉ với một trận, Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần đã phải bỏ Tài Phụ mà chạy về Long Hưng (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) rồi sau đó chạy về Cần Thơ. Thấy tình hình quá nguy cấp, tướng Đỗ Thanh Nhơn được lệnh lên đường quay trở ra vùng Bình Thuận để tìm cánh quân của Châu Văn Tiếp đang ẩn náu tại đây. Gặp Đỗ Thanh Nhơn, Châu Văn Tiếp lập tức cùng thuộc tướng là Trần Văn Thức đem quân đi gấp vào Gia Định để ứng cứu. Nhưng Châu Văn Tiếp chưa kịp đến Trấn Biên thì đã bị đánh cho tơi bời, tướng Trần Văn Thức bị giết tại trận (Đại Nam liệt truyện, Tiền biên, quyển 5) còn Châu Văn Tiếp thì may mắn thoát chết.
Tại Ba Việt, Nguyễn Huệ cho quân kết hợp bao vây với tấn công tiêu diệt. Các tướng thân tín của Tân Chính Vương như Tôn Thất Chí, Nguyễn Mẫn và Tống Phước Hựu đều bị giết. Trong thế quẫn bách, Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương định phá vòng vây chạy trốn. Nhưng ý định đó đã bị tan thành mây khói. Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương và 18 tướng lĩnh tùy tùng bị bắt sống, sau đó bị đưa về xử tử tại Gia Định vào tháng 8 năm 1777 (Đại Nam thực lục, Tiền biên, quyển 12).
Tại Cần Thơ, nghe tin Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương bị bắt, Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần hoảng sợ, định theo kế của Mạc Thiên Tứ tìm đường chạy sang tạm lánh nạn ở Trung Quốc. Nhưng, khi đang chờ tàu ở Long Xuyên, Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần cùng với toàn bộ tướng lĩnh đi theo hộ giá như Trương Phúc Thận, Nguyễn Danh Khoáng, Nguyễn Phúc Đồng (anh ruột của Nguyễn Ánh)... đều bị bắt sống và đến tháng 9 năm 1777 thì bị xử tử tại Gia Định. Bấy giờ, tôn thất họ Nguyễn chỉ còn có Nguyễn Ánh là trốn thoát được (Đại Nam thực lục, Tiền biên, quyển 12; Đại Nam liệt truyện, Tiền biên và Chính biên sơ tập).
Với cuộc tấn công vào Gia Định lần này, Nguyễn Huệ đã làm sụp đổ hoàn toàn cơ đồ thống trị của họ Nguyễn được tạo lập trước đó hơn 200 năm, thực hiện thắng lợi trọn vẹn mục tiêu lớn nhất của Tây Sơn đặt ra trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa. Cũng với cuộc tấn công dũng mãnh này, Nguyễn Huệ đã giải phóng được một vùng đất rộng lớn, nhanh chóng tăng cường sức người và sức của, khiến Tây Sơn có thể vững vàng bước vào những trận chiến đấu mới, lớn hơn và quyết liệt hơn.
Đến đây, thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ bước vào thời kỳ nở rộ, phong phú và xuất sắc lạ thường. Các tướng lĩnh của họ Nguyễn xem ra đềukhông đáng là đối thủ của Nguyễn Huệ.
Năm 1778 Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, Nguyễn Huệ nhờ những công lao xuất sắc trong hơn 7 năm chiến đấu, đặc biệt là ở trận Phú Yên (1775) và trận Gia Định (1777) nên đã được phong làm Long Nhương Tướng quân
4. Cùng với Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc, chỉ huy cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ tư (năm 1782, năm 29 tuổi), đánh cho Nguyễn Ánh đại bại
Sau khi hoàn thành xuất sắc cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ hai, Nguyễn Huệ trở về Quy Nhơn, giao vùng đất mới được giải phóng cho một số tướng lĩnh quản lý. Nhân cơ hội đó, Nguyễn Ánh và bè lũ lập tức nổi lên. Đất Gia Định chẳng mấy chốc đã bị Nguyễn Ánh chiếm lại. Lực lượng Tây Sơn ở Gia Định không sao chống đỡ nổi, đành phải cấp báo về Quy Nhơn. Do chỗ nhận định rằng Nguyễn Ánh chỉ là một kẻ tuổi đời còn quá trẻ, năng lực chỉ huy và uy tín cũng chưa cao, cho nên, Tây Sơn chỉ cử hai viên tướng là Tổng đốc Chu (chưa rõ họ là gì) và Hộ giá Phạm Ngạn, đem hai đạo quân thủy bộ nhỏ đi cứu nguy cho Gia Định. Sau sáu tháng hành quân vất vả, Tổng đốc Chu và Hộ giá Phạm Ngạn mới tiến được đến vùng Biên Hòa ngày nay. Các tướng của Tây Sơn chẳng những không cản nổi những cuộc phản công của Nguyễn Ánh mà còn bị đánh bật khỏi Gia Định, sau đó lại còn bị đánh bật khỏi Bình Thuận. Tình hình phía Nam trở nên rất nguy cấp.
Tại Gia Định, lực lượng của Nguyễn Ánh được tăng cường rất nhanh. Đầu năm 1781, Nguyễn Ánh đã có khoảng 3 vạn quân thủy bộ (Đại Nam thực lục, Tiền biên, quyển 12). Bấy giờ, sát cánh bên cạnh Nguyễn Ánh còn có năm tàu chiến với đầy đủ thủy thủ và vũ khí của phương Tây do viên sĩ quan người Pháp là Manuel chỉ huy (Lorenzo Pérez. Les Espagnols dans l’Empire d’Annam.-Paris 1812; Đại Nam thực lục, Tiền biên, quyển 12) cũng chép tương tự). Từ Gia Định, Nguyễn Ánh liên tiếp chủ động tổ chức những cuộc tấn công vào Tây Sơn. Đã có lúc, quân Nguyễn Ánh tiến tới tận khu vực gần thành phố Nha Trang ngày nay.
Tháng ba năm Nhâm Dần (1782), Bộ chỉ huy Tây Sơn quyết định đưa đại quân vào Nam để đánh gục toàn bộ lực lượng của quân Nguyễn. Bởi tính chất đặc biệt quan trọng của trận đánh này, đích thân hai lãnh tụ của Tây Sơn là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy. Tương tự như ba lần trước, lần này, Tây Sơn cũng huy động cả bộ binh lẫn thủy binh, trong đó, thủy binh là lực lượng nòng cốt (Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí (Quyển 3) và Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 12)1). Về phần mình, Nguyễn Ánh do đã biết được quyết tâm của Tây Sơn nên đã chủ động bố trí trận địa để đón đánh.
Tại Cần Giờ, thủy binh của Nguyễn Ánh do tướng Tống Phước Thiêm chỉ huy, có khoảng 400 chiến thuyền (chưa kể 5 tàu chiến của phương Tây do Manuel cầm đầu), chuẩn bị thế trận sẵn ở khu vực sông Ngã Bảy (Thất Kỳ Giang) với hy vọng chặn đứng thủy quân Tây Sơn để rồi sau đó là tùy cơ mà tổ chức phản công (Lorenzo Pérez. Les Espagnols dans l’Empire d’Annam.-Paris 1812, T.1, P. 89). Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn sắp sẵn một đội chiến thuyền khác do đích thân Nguyễn Ánh chỉ huy, có thể đến ứng cứu cho Tống Phước Thiêm bất cứ lúc nào (Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí, Quyển 3; Đại Nam thực lục, Tiền biên) cũng chép tương tự). Bộ binh của Nguyễn Ánh thì tập trung chủ yếu ở khu vực thành Gia Định. Nơi đây, hệ thống đồn lũy được tu bổ cẩn thận, khả năng phòng thủ rất cao (Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí, Quyển 3). 
Về phần Tây Sơn, trận đánh quyết liệt đầu tiên là trận sông Ngã Bảy ở Cần Giờ. Trận này do đích thân Nguyễn Huệ chỉ huy. Nhân lúc thuận chiều gió, Nguyễn Huệ đã cho dùng hỏa công (De la Bissachère. État actuel du Tonkin, de la Cochinchine et des royaumes de Cambodge, Lao et Lạc Thổ.-Paris, 1812, T.1, P. 319. Theo De la Bissachère và theo ghi chép của một số giáo sĩ phương Tây khác, phép hỏa công trong thủy chiến của Tây Sơn khá đặc biệt, đại để thì Tây Sơn dùng ống đựng chất dễ cháy, gặp chiến thuyền của đối phương thì châm lửa phóng vào. Chất này khi rơi xuống nước, nếu đã bén lửa thì vẫn có thể cháy, cho nên, dùng nước để chống là không có hiệu quả), khiến cho thủy quân Tống Phước Thiêm hoàn toàn bị bất ngờ về cách đánh, đội ngũ rối loạn, chẳng mấy chốc đã bị đại bại. Nguyễn Ánh tới cứu cũng không sao có thể xoay chuyển được tình thế, đành tháo chạy thục mạng. Tàu chiến của Manuel bị vây chặt và sau đó bị thiêu trụi, Manuel chịu chết cháy.
Tàn binh của Nguyễn Ánh và Tống Phước Thiêm chạy về Gia Định, kết hợp với lực lượng bộ binh đang đóng tại đây để tính kế chống trả. Ở Gia Định, Nguyễn Ánh có ba căn cứ rất vững chắc. Một là thành Gia Định, hai là đồn Bến Nghé và ba là đồn Thị Nghè. Trong thế chân vạc lợi hại này, Bến Nghé và Thị Nghè giữ vai trò yểm trợ rất đắc lực cho thành Gia Định. Cả thành lẫn đồn đều được xây dựng rất kiên cố. Bấy giờ, thân cây dừa được dùng làm kè đỡ, súng lớn cũng không dễ gì phá hủy được. Nhưng chỉ trong một trận giáp chiến, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy cũng đã đánh bật được Nguyễn Ánh ra khỏi ba căn cứ kiên cố nói trên. Nguyễn Ánh phải chạy về Ba Giồng. Tại đây, chưa kịp củng cố đội ngũ để đối phó thì tin bại trận cứ liên tiếp chuyển về và quân Tây Sơn cũng đang ồ ạt tiến tới cho nên, Nguyễn Ánh lại phải tháo chạy. Lần này, Nguyễn Ánh chỉ còn lại đúng 150 người (Lorenzo Pérez. Les Espagnols dans l’Empire d’Annam.-Paris 1812) bỏ Ba Giồng, băng qua Hậu Giang, sang cả Chân Lạp, lòng vòng bôn tẩu khắp nơi.
Trong khi một bộ phận quan trọng của Tây Sơn đang lo truy kích Nguyễn Ánh thì một bộ phận khác của Tây Sơn lo đối phó với những đám tàn quân khác của Nguyễn Ánh. Bấy giờ, các tướng của Nguyễn Ánh như Tôn Thất Dụ, Trần Xuân Trạch, Trần Công Chương... từ Bình Thuận cũng vội đem quân vào Gia Định. Sau các tướng nói trên, đến lượt Châu Văn Tiếp hùng hổ mang quân tới. Một trận ác chiến đã xảy ra tại khu vực cầu Tham Lương (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 3 và quyển 4), Hộ giá Phạm Ngạn của Tây Sơn bị tử trận, nhưng phía đối phương, tướng Hồ Công Siêu cũng bị giết chết. Thấy không thể chống đỡ nổi, lực lượng của Nguyễn Ánh do các tướng nói trên chỉ huy đã buộc phải rút lui, tìm chỗ náu mình ở đất Bình Thuận như trước đó (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 3 và quyển 4).).
Mùa hè năm 1782, thấy tình hình Gia Định đã tương đối ổn, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn, chỉ để lại tướng Đỗ Nhàn Trập cùng 3000 quân ở lại trông coi Gia Định nữa mà thôi.
Trận tấn công vào Gia Định năm 1782 là trận đầu tiên Nguyễn Huệ chỉ huy quân đội đánh vào thế trận đã bày bố sẵn của đối phương, cả ở dưới nước lẫn trên bộ. Xét từ mọi phương diện khác nhau, thế trận của Nguyễn Ánh là thế trận rất vững chắc. Bên cạnh lực lượng khá hùng hậu của mình, Nguyễn Ánh còn được sự hỗ trợ đắc lực của các chiến thuyền phương Tây. Số lượng các chiến thuyền phương Tây tuy không nhiều, nhưng, vị trí và ảnh hưởng đối với chiến trận lại rất lớn. Nếu Tây Sơn phải hành quân xa từ hàng trăm cây số tới, thì ngược lại, Nguyễn Ánh gần như chỉ sắp đặt mọi việc tại chỗ. Tóm lại là về lý thuyết, khả năng giành phần thắng của Nguyễn Ánh cao hơn. Nhưng, thực tiễn sinh động của cuộc tấn công năm 1782 cho thấy Nguyễn Huệ đã làm được những việc ngỡ như không thể làm. Nghệ thuật đánh nhanh, thắng nhanh được Nguyễn Huệ thực hiện với một trình độ rất cao. Các tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc của Nguyễn Ánh, rồi cả đến bản thân Nguyễn Ánh phải kinh ngạc và hoảng sợ đã đành, ngay những sĩ quan chỉ huy chiến thuyền người phương Tây như Manuel cũng phải bó tay chịu chết. Chỗ dựa chủ yếu của Nguyễn Huệ không phải là vũ khí hay điều kiện thuận lợi của thời tiết và địa hình, mà trước hết và cao nhất vẫn là con người. Nếu nắm được thế mạnh riêng của từng tướng lĩnh, của từng đạo quân và sử dụng được, phát huy cao độ được những thế mạnh riêng đó, thì nhất định sẽ nắm phần thắng trong tay.
Trong cuộc tấn công vào Gia Định năm 1782 này, bên cạnh Nguyễn Huệ, Bộ chỉ huy quân Tây Sơn còn có một nhân vật rất quan trọng khác, đó là Nguyễn Nhạc. Với cương vị là Hoàng đế, hẳn nhiên, tiếng nói của Nguyễn Nhạc có ý nghĩa quyết định. Nhưng xét diễn biến cụ thể của toàn bộ cuộc tấn công, vai trò của Nguyễn Huệ luôn luôn nổi lên hàng đầu. Những trận giáp chiến quan trọng nhất diễn ra tại sông Ngã Bảy, tại thành Gia Định, đồn Bến Nghé, đồn Thị Nghè và tại khu vực Tiền Giang ngày nay đều do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy. Sử cũ thực sự có lý khi hầu như chỉ nhắc riêng tên Nguyễn Huệ trong đoạn chép về năm này. 
5. Tổng chỉ huy lực lượng Tây Sơn tấn công vào Gia Định lần thứ năm (năm 1783, năm 30 tuổi), đuổi tập đoàn Nguyễn Ánh ra khỏi bờ cõi
Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vừa rút về Quy Nhơn thì lập tức, tình hình Gia Định biến đổi nhanh chóng, theo chiều hướng ngày càng bất lợi cho Tây Sơn. Trước hết, tại Long Hồ, một viên tướng của Nguyễn Ánh là Hồ Văn Lân đã tập hợp được một số quân lính, bất ngờ tấn công và chiếm lại được Long Hồ. Ngay sau chiến thắng này của Hồ Văn Lân, các tướng khác của Nguyễn Ánh như Dương Công Trừng và Nguyễn Văn Quý cũng đem quân về Long Hồ để hỗ trợ Hồ Văn Lân, khiến cho thanh thế của lực lượng ủng hộ Nguyễn Ánh ở đây tăng lên rất nhanh. Từ Long Hồ, một loạt những trận phản công lớn nhỏ được tổ chức. Quân Tây Sơn dẫu rất cố gắng vẫn không sao chống đỡ nổi, bỏ thành, bỏ đất mà chạy. Vùng đất đại để tương ứng với Long An ngày nay trở về Nam, dần dần nằm trong tay của nhóm tướng lĩnh Hồ Văn Lân (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 13. Hồ Văn Lân người huyện Kiến Đăng, nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Tin này chẳng mấy chốc đã vang đi khắp nơi.
Tại Bình Thuận, Châu Văn Tiếp cũng nhân thấy quân đội Tây Sơn ở Gia Định lúng túng, bèn tới tấp đánh vào Nam. Lần này, Châu Văn Tiếp có vẻ rất tự tin, giương cao ngọn cờ Lương sơn tá quốc (Quân giỏi ở núi rừng lo giúp nước) mà tiến. Bấy giờ, quân Tây Sơn ở Gia Định do Đỗ Nhàn Trập chỉ huy chỉ có 3000 người mà phải phân tán đi đóng giữ tại nhiều đồn lũy khác nhau, vì thế khả năng chống đỡ ở từng đồn lũy rất thấp. Châu Văn Tiếp cùng các tướng dưới quyền như Tôn Thất Mân, Phạm Văn Sĩ, Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Long, Phan Viện... chia quân dồn dập đánh vào Gia Định (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 6). Đỗ Nhàn Trập không sao cầm cự nổi, đành phải tháo chạy về Quy Nhơn.
Cũng có thể nói Đỗ Nhàn Trập đã sai lầm khi dàn mỏng lực lượng vốn dĩ rất khiêm nhường của mình trên nhiều địa bàn khác nhau, tuy nhiên, ở một góc độ khác, chúng ta lại cũng có thể nói rằng Đỗ Nhàn Trập thật khó mà chọn lựa cho mình một phương pháp nào khác. Sai lầm của tướng Đỗ Nhàn Trập chừng như lại bắt đầu từ sai lầm của Bộ chỉ huy Tây Sơn khi đánh giá về vị trí của đất Gia Định. Tây Sơn đã tập trung quân quá đông ở những nơi không phải là vị trí chiến lược quan trọng. Nguyễn Ánh và tướng lĩnh dưới quyền đã triệt để lợi dụng sơ hở này và do đó đã dễ dàng chiếm lại Gia Định sau những phen đại bại thảm hại đến độ ngỡ như khó mà ngóc đầu lên được nữa.
Tại Gia Định, một lần nữa, Nguyễn Ánh lại gấp rút xây dựng hệ thống đồn lũy trên cả một tuyến dài từ vùng đại để tương ứng với Long An về cho đến thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đồn lũy cũ được tu bổ và tôn tạo. Thành lũy mới được xây đắp. Bộ binh và thủy binh liên lạc chặt chẽ và sẵn sàng ứng cứu cho nhau. Khí thế của tập đoàn Nguyễn Ánh lại một lần nữa trở nên rất hưng thịnh.
Đứng trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Tây Sơn lại quyết định tổ chức cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ năm. Lần này, quân Tây Sơn đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Lực lượng tham chiến của Tây Sơn gồm chủ yếu là thủy binh. Tháng 2 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ bắt đầu cho quân rời Quy Nhơn tiến vào Nam, mở đầu cuộc tấn công lớn vào Nguyễn Ánh.
Cuộc giáp chiến đầu tiên diễn ra tại Cần Giờ. Cũng như tất cả các trận trước, Nguyễn Huệ đã triệt để lợi dụng thủy triều và gió, khiến cho sức mạnh của thủy binh Tây Sơn được nhân lên gấp bội. Chỉ trong một trận chớp nhoáng, phòng tuyến kiên cố của Nguyễn Ánh tại Cần Giờ bị phá toang. Ngay sau đó, Nguyễn Huệ chia quân làm hai đạo, đánh từ hai hướng khác nhau. Đạo thứ nhất tiến xuống Thảo Câu (Vàm Cỏ), giao cho Đô đốc Lê Văn Kế chỉ huy. Đạo thứ hai đánh thẳng vào Gia Định, giao cho Tư khấu Nguyễn Văn Kim chỉ huy. Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chịu trách nhiệm điều khiển chung.
Tại Thảo Câu, thủy quân Nguyễn Ánh đã chuẩn bị sẵn một trận hỏa công rất lợi hại. Nhưng theo đúng lời dặn của Nguyễn Huệ, Đô đốc Lê Văn Kế chờ cho đến lúc thủy triều lên nhanh và gió bắt đầu thuận chiều mới đánh. Lửa hỏa công của quân Nguyễn Ánh, thay vì nhằm thiêu cháy chiến thuyền của Tây Sơn, đã thiêu cháy ngay chính chiến thuyền của mình. Đô đốc Lê Văn Kế nhân đó đã thúc quân đánh tới tấp. Lực lượng thủy quân của Nguyễn Ánh ở Thảo Câu nhanh chóng bị tan rã. Tướng chỉ huy quân Nguyễn ở Thảo Câu là Dương Công Trừng bị bắt, toàn bộ quân sĩ của Nguyễn Ánh đóng tại đây đều phải xin hàng (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 13). Bộ sử này cho biết Dương Công Trừng bị bắt trước sau tổng cộng hai lần và đến lần thứ hai thì bị giết.
Tại Gia Định, số phận của lực lượng quân Nguyễn cũng bi đát không kém. Tướng chỉ huy quân Nguyễn ở đây là Tôn Thất Mân cùng hàng loạt thuộc tướng và quân sĩ phải chịu chết.
Sau hai trận đại bại nói trên, Nguyễn Ánh buộc phải bỏ Gia Định, dắt díu thân nhân chạy trốn. Bấy giờ, Nguyễn Ánh chỉ còn độ dăm sáu tướng cùng với khoảng 100 quân sĩ tùy tùng nữa mà thôi. Nhưng chỉ mấy ngày sau, đám tàn quân của Nguyễn Ánh đã tập trung ở Ba Giồng và lại tính kế để đánh trả Tây Sơn.
Quyết không cho Nguyễn Ánh kịp ra tay, Nguyễn Huệ đã trực tiếp cầm quân tới đánh. Lần này, Nguyễn Huệ cho cả tượng binh tham chiến. Một lần nữa, Nguyễn Ánh đại bại, các tướng như Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Kim Phẩm đều bị bắt, Nguyễn Đình Thuyên, Nguyễn Văn Quý, Trần Đại Huề... thì bị giết tại trận... (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 7 và quyển 13).
Từ đây, một cuộc truy đuổi ráo riết của quân Tây Sơn đối với Nguyễn Ánh bắt đầu. Nguyễn Ánh phải bôn tẩu khắp nơi và chịu thêm nhiều thiệt hại nặng nề nữa. Đại lược như sau:
- Sau nhiều ngày chạy lòng vòng trong khu vực thuộc Tiền Giang ngày nay, Nguyễn Ánh thấy không thể bám lại được, bèn chạy ra cửa biển Ba Thắc để tìm gặp Bá Đa Lộc. Nhưng trước đó Bá Đa Lộc đã đến Mạc Bắc (nay thuộc tỉnh Trà Vinh), cùng với giáo sĩ Liot, giáo sĩ Castuera và giáo sĩ Ginestar chạy trốn. Tám ngày sau, Nguyễn Ánh cũng đuổi kịp nhưng các giáo sĩ nói trên không dám ở chung với Nguyễn Ánh vì sợ bị liên lụy nên lại trốn đi nơi khác.
- Nguyễn Ánh hoảng hốt chạy ra Hà Tiên rồi sau đó là nương thân tại đảo Phú Quốc. Tướng Phan Tiến Thận được Nguyễn Huệ sai cầm quân đi truy kích. Trong trận giáp chiến tại Phú Quốc, một loạt các tướng của Nguyễn Ánh như Tôn Thất Cốc, Tôn Thất Điến (tức là Tôn Thất Chương), Chưởng Cơ Hoảng (chưa rõ họ)... (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 4). Các bộ sách khác như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam thực lục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn cũng chép tương tự) bị bắt. Nguyễn Ánh may được Lê Phúc Điển đổi áo để đánh lừa quân Tây Sơn mới thoát chết mà chạy trốn được.
- Sau khi được Lê Phúc Điển đổi áo, Nguyễn Ánh chạy ra đảo Cổ Long, nhưng chưa hoàn hồn đã bị tướng của Tây Sơn là Trương Văn Đa đem quân tới truy đuổi. Khi ấy, bỗng dưng gió bão nổi lên, Trương Văn Đa không thể tiếp tục cuộc truy quét, còn tàn quân của Nguyễn Ánh thì liều chết vượt cả gió bão, chạy về đảo Cổ Cốt và sau đó lại về đảo Phú Quốc.
- Tại Phú Quốc, do bị tuyệt lương, tàn quân Nguyễn Ánh lại quyết chí đi tìm nơi nương thân khác. Chẳng dè, vừa xuất đầu lộ diện đã bị quân Tây Sơn vây đánh tới tấp. Không còn con đường nào khác, Nguyễn Ánh phải chạy thẳng ra ngoài khơi, lênh đênh trên biển bảy ngày bảy đêm mới lui về được Phú Quốc.
- Thấy Phú Quốc không phải là đất dung thân, Nguyễn Ánh lại bí mật quay về Long Xuyên, nhưng chưa đến được Long Xuyên đã bị tướng của Nguyễn Huệ là Nguyễn Hóa chặn đánh quyết liệt. Nguyễn Ánh chạy ra Hòn Chông và sau đó lại chạy đến đảo Thổ Châu, cách đất liền những hơn 200 cây số. Cuối cùng, Nguyễn Ánh đã chạy sang cầu cứu Xiêm La.
Đến đây, những nhiệm vụ chính yếu đặt ra cho cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ năm đã hoàn thành. Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ rút quân về Quy Nhơn, việc coi giữ đất Gia Định được giao cho tướng Trương Văn Đa đảm trách. Đánh giá về Nguyễn Huệ trong và sau cuộc tấn công này, một học giả phương Tây là Legrand de la Liraye viết:
“Bằng việc giải phóng đất Gia Định, Long Nhương Tướng quân (chỉ Nguyễn Huệ - NKT) đã hoàn toàn làm chủ được cả xứ Đàng Trong. Ông không phải chỉ là tướng giỏi cầm quân mà còn là một nhà chính trị xuất sắc, tức là khác hẳn với những vị tướng mà trước đó Nguyễn Nhạc đã cử vào. Ông nắm được cả vùng Gia Định trong tay bằng những đồn lũy nằm án ngữ khắp các nẻo thủy bộ với một kỷ luật nghiêm minh và một lòng nhân từ với nhân dân” (Legrand de la Liraye. Notes historiques sur la nation annamite. Sài Gòn. 1865, P. 95).
Thực tiễn sinh động của cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ năm đã chứng tỏ rằng, Nguyễn Huệ là người vừa rất có tài quyết đoán lại vừa biết triệt để tận dụng những yếu tố thuận lợi của thời tiết và chế độ thủy văn, khiến cho cả thế và lực của quân đội Tây Sơn trong từng trận đánh cụ thể được tăng lên gấp bội. Do liên tiếp bị đại bại thảm hại, trong bước đường cùng, Nguyễn Ánh đã chạy sang cầu cứu Xiêm La, tức là đã đi từ chỗ hại dân đến chỗ phản quốc.

6. Tổng chỉ huy trận quyết chiến chiến lược ở Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785, năm 32 tuổi), đập tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm La và trừng trị đích đáng hành vi phản dân, hại nước của Nguyễn Ánh
“Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn (Năm Giáp Thìn là năm 1784, nhưng trận Rạch Gầm - Xoài Mút diễn ra vào tháng chạp, nên tính theo dương lịch là năm 1785) thì ngoài miệng tuy nói khoác, nhưng trong lòng lại sợ Tây Sơn như sợ cọp” (Đại Nam thực lục, Chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 3).
  • Đôi điều về quân xâm lược Xiêm La
Quang Trung Nguyễn Huệ
Khi quân Tây Sơn liên tiếp tổ chức những cuộc tấn công vào Gia Định thì ở Xiêm La, tình hình chưng cũng rất bi đát. Bấy giờ, quân Miến Điện liên tiếp tấn công Xiêm La và giai cấp thống trị của Xiêm La đã tỏ ra rất bạc nhược, không đủ tinh thần và ý chí, càng không đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo sự nghiệp chống xâm lăng. Quân Miến Điện đã chiếm được kinh đô của Xiêm La lúc đó là Ayuthaya và tàn phá đất Xiêm La một cách khủng khiếp.
Trước hiểm họa đó, người Xiêm La và những kiều dân làm ăn sinh sống trên đất Xiêm La đã đồng tâm hợp lực để tổ chức cuộc kháng chiến chống Miến Điện. Trong cuộc chiến đấu ngoan cường ấy, một nhân vật đặc biệt đã nổi lên, đó là Tak Sin. Tak Sin cũng tức là Phìa Tak, là Trịnh Tân, Phi Nhã Tân hay Trịnh Quốc Anh, xuất thân là một thương nhân gốc Trung Quốc. Ông đã lãnh đạo nhân dân Xiêm La đánh tan quân Miến Điện và nhờ có công lao đặc biệt này, sau chiến thắng, Trịnh Quốc Anh được tôn lên ngôi vua (1767 - 1782) của Xiêm La.
Trong những năm trị vì của Trịnh Quốc Anh, Xiêm La đã phục hưng khá nhanh. Từ vị trí của một nước luôn bị các thế lực cát cứ hoành hành, Xiêm La đã trở thành một vương quốc có chính quyền tập trung chuyên chế vững mạnh. Từ tư thế của một nước bị tấn công xâm lược triền miên, Xiêm La trở thành kẻ đi tấn công xâm lược nước khác. Nhưng, về cuối đời, Trịnh Quốc Anh đã mắc phải hai ác tật. Một là bị bệnh phong (dân gian gọi là bệnh cùi), vì thế sử vẫn gọi Trịnh Quốc Anh là phong vương (ông vua bị bệnh phong) và hai là bị bệnh điên, cho nên, sử cũng gọi ông là cuồng vương (ông vua bị bệnh điên).
Sau khi đã củng cố được địa vị của mình trên vũ đài chính trị Xiêm La, Trịnh Quốc Anh đã xua quân sang tấn công xâm lược Chân Lạp. Viên tướng được Trịnh Quốc Anh trao phó trọng trách cầm quân sang Chân Lạp là Chakkri (sử ta phiên âm là Chất Tri). Bấy giờ, đất đai của Chân Lạp đã bị thu hẹp, nội bộ Chân Lạp lại mất đoàn kết nghiêm trọng, vì thế Chakkri đã thành công khá dễ dàng. Nhưng khi Chakkri đang lập công ở Chân Lạp thì ở Xiêm La, Trịnh Quốc Anh không còn có thể tiếp tục làm vua như cũ nữa. Chakkri đã đem quân về, lật đổ Trịnh Quốc Anh và làm vua Xiêm La kể từ năm 1782 (Hiện nay, quốc vương của Thái Lan cũng chính là hậu duệ của Chakkri).
Với Chakkri, cuộc khủng hoảng nhất thời của Xiêm La nhanh chóng chấm dứt và Xiêm La phát đạt hơn hẳn thời trị vì của Trịnh Quốc Anh. Chính sách bành trướng của Xiêm La chẳng những được tiếp tục duy trì mà còn được đẩy mạnh. Quân đội của Chakkri đã hoành hành khắp các nước trên bán đảo Đông Dương.
Tập đoàn Nguyễn Ánh chạy sang cầu cứu Xiêm La vào năm 1783, tức là năm trị vì của Chakkri - nhà vua cũng đồng thời là viên tướng khét tiếng nhất của Xiêm La lúc bấy giờ. Nói khác hơn, đối thủ mới của nghĩa quân Tây Sơn là rất đáng gờm.
Ngay sau khi nhận được lời cầu cứu của Nguyễn Ánh, đầu năm Giáp Thìn (1784), Chakkri đã quyết định mượn cớ giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn để xua quân sang xâm lược nước ta. Hai người cháu, cũng là hai viên tướng cao cấp của Chakkri là Chiêu Tăng và Chiêu Sương được lệnh làm tổng chỉ huy cuộc xâm lăng này. Lực lượng quân thủy bộ của Xiêm La được huy động đến 5 vạn tên (Chính sử của triều Nguyễn chỉ nói 2 vạn, nhưng, biên niên sử của Chân Lạp và đặc biệt là Mạc thị gia phả lại nói là 5 vạn). Đi cùng với quân Xiêm La và sát cánh chiến đấu với quân Xiêm La còn có hàng ngàn quân bản bộ của Nguyễn Ánh. Chiêu Tăng và Chiêu Sương chia quân làm 2 đạo cùng tiến sang nước ta.
- Đạo thứ nhất là đạo thủy binh gồm khoảng 2 vạn tên (Chính sử triều Nguyễn chỉ nói tới đạo quân này) do chính Chiêu Tăng và Chiêu Sương trực tiếp cầm đầu, vượt vịnh Xiêm La và tràn vào nước ta qua ngả Kiên Giang ngày nay.
- Đạo thứ hai là đạo bộ binh gồm khoảng 3 vạn tên (Mạc thị gia phả), do các tướng Lục Côn, Sa Uyển và Chiêu Thùy Biện (Chiêu Thùy Biện nguyên là đại thần của Chân Lạp đầu hàng Xiêm La. Tên của viên đại thần này cũng có thể phiên âm là Chiêu Thùy Bèn, Chiêu Thùy Bẹn) chỉ huy, băng qua đất Chân Lạp rồi tràn vào nước ta qua ngả An Giang ngày nay.
Xét về tương quan, 5 vạn quân là một lực lượng rất to lớn so với thực lực của Tây Sơn. Sức mạnh của 5 vạn quân đó càng đáng sợ hơn khi chúng nắm được cơ sở xã hội nguy hiểm từ bên trong là tập đoàn Nguyễn Ánh. Nhưng vượt lên trên tất cả, khó khăn hàng đầu của Tây Sơn lúc này không phải là vũ lực của đối phương mà là ở chỗ, liệu Tây Sơn có đủ sức để tự phá bỏ giới hạn chật hẹp của một phong trào nông dân để đảm đương sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc hay không. Và vào đúng thời điểm nguy cấp này của đất nước, Tây Sơn đã kịp thời tự chuyển hóa một cách thật tuyệt vời, từ quân đội nông dân trở thành quân đội dân tộc, đúng như nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
  • Nguyễn Huệ với công cuộc chuẩn bị tiêu diệt quân xâm lược Xiêm La
Như trên đã nói, năm 1783, sau khi đã đập tan những cố gắng cuối cùng của Nguyễn Ánh và ráo riết truy đuổi, buộc Nguyễn Ánh phải chạy sang Xiêm La, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ trở về Quy Nhơn. Đất Gia Định được giao cho Phò mã Trương Văn Đa quản lĩnh. Khi Nguyễn Ánh rước quân Xiêm La về giày xéo đất nước, Trương Văn Đa đã có hai quyết định rất đúng đắn. Một là cử người về Quy Nhơn cấp báo cho Bộ chỉ huy Tây Sơn và hai là chủ động tổ chức đánh chặn để cản bước tiến của quân Xiêm La.
Trương Văn Đa vừa tổ chức đánh chặn, vừa tỉnh táo bảo toàn lực lượng nhằm chuẩn bị cho trận đánh quyết định với quân Xiêm La. Với thực lực và cũng với tinh thần bao quát đó, quân Tây Sơn do Trương Văn Đa chỉ huy không thể có những trận giáp chiến lớn. Nhưng, hoạt động của Trương Văn Đa đã tạo nên được nhiều ảnh hưởng tốt đẹp rất lớn lao. Trước hết, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của giặc bị sụp đổ. Sau 6 tháng trời, quân Xiêm La và quân bản bộ của Nguyễn Ánh cũng chỉ mới chiếm được một vùng đất đại thể từ sông Tiền trở về Nam mà thôi.
Vào nước ta, quân Xiêm La ngày càng lộ rõ bộ mặt cướp nước của chúng. Điều này đã được chính Nguyễn Ánh thú nhận đầy đủ và rõ ràng trong bức thư viết bằng chữ Nôm gửi giáo sĩ J.Liot:
“Nay thì Xiêm binh đại tứ lỗ lược (tự do cướp giật - NKT), dâm nhân phụ nữ (cưỡng hiếp phụ nữ của người ta - NKT), lược nhân tài vật (cướp bóc tài sản của người ta - NKT), túng sát bất dung lão thiếu (giết bừa không tha già trẻ - NKT), vậy nên Tây tặc binh thế nhật thịnh (thế của giặc Tây Sơn ngày một mạnh -NKT), Xiêm binh thế nhật suy (thế của quân Xiêm La ngày một suy - NKT)” (Thư của Nguyễn Ánh gửi J.Liot viết bằng chữ Nôm, đề ngày 25-1-1785 (5 ngày sau đại bại ở Rạch Gầm - Xoài Mút), do Lê Văn Duyệt sao chép và sau đó được L.Cadière giới thiệu trong Les Français aux services de Gia Long. Bulletin des amis du vieux Huế, 1926).
Và một khi bộ mặt cướp nước của quân xâm lăng đã bị phơi bày thì bản chất phản dân hại nước của cả tập đoàn Nguyễn Ánh cũng lộ rõ. Nhận thức chính trị của nhân dân Gia Định ngày càng chuyển hóa theo chiều hướng có lợi cho Tây Sơn. Ngay trong hàng ngũ của tập đoàn Nguyễn Ánh cũng có người quay giáo chống lại Nguyễn Ánh (Ví dụ trường hợp Lê Xuân Giác. Sử nhà Nguyễn đã xuyên tạc khi kết luận rằng, nhờ có tên phản thần Lê Xuân Giác bày mưu, Nguyễn Huệ mới có thể thắng trận).
Bấy giờ ở Quy Nhơn, ngay sau khi nhận được tin cấp báo của Phò mã Trương Văn Đa, Bộ chỉ huy Tây Sơn liền quyết định cử Nguyễn Huệ vào Gia Định, trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Xiêm La và bè lũ tay sai Nguyễn Ánh. Tháng chạp năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Huệ đã có mặt tại Mỹ Tho (nay là thành phố trực thuộc tỉnh Tiền Giang, nằm ở bờ Bắc sông Tiền. Đại Nam thực lục, Chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 2 nói Nguyễn Huệ đến Gia Định vào tháng chạp năm Giáp Thìn (1784). Mạc thị gia phả cũng cho biết Nguyễn Huệ đến Gia Định vào khoảng thời gian tương tự như thế) với lực lượng từ Quy Nhơn vào gồm chủ yếu là thủy binh. Ngay lập tức, vùng đất này trở thành nơi đối đầu của hai lực lượng quân sự đối nghịch. Một là quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ lành tổng chỉ huy đặt đại bản doanh tại Mỹ Tho và hai là quân xâm lược Xiêm La đặt đại bản doanh tại Trà Tân (tên rạch, cũng là tên cù lao. Rạch Trà Tân nằm ở bờ Bắc, chảy qua Hưng Lễ, Hưng Nhân rồi đổ ra sông Tiền. Cù lao Trà Tân, cũng tức là cù lao Năm Thôn, nằm đối diện với cửa rạch Trà Tân).
Như trên đã nói, quân Xiêm La gồm tổng cộng khoảng 5 vạn tên. Quân bản bộ của Nguyễn Ánh có khoảng từ 3000-4000 tên nữa. Đó là đội quân vừa đông vừa mạnh, được trang bị vào loại hiện đại nhất vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ. Về phần mình, quân Tây Sơn có chừng vài vạn (Đây là con số ước đoán của các nhà sử học hiện đại, chứ không phải là ghi chép của sử cũ). Tuy quân số có ít hơn nhưng trang bị thì cũng không phải là quá thua kém (Theo ghi chép của giáo sĩ Diego de Jumilla trong La révolte et la guerre des Tây Sơn(Bulletin de la Société des études Indochinoises.T.15.1940) thì Tây Sơn có khá nhiều đại bác do Hà Lan sản xuất).
Đến Mỹ Tho, nhận thấy Trà Tân là cứ điểm tập trung rất đông quân Xiêm, được canh phòng rất cẩn mật, vì thế, Nguyễn Huệ chủ trương nhử địch ra khỏi Trà Tân để đánh một trận sống còn với chúng. Và, Nguyễn Huệ đã đồng thời kết hợp một cách khôn khéo hai hoạt động hoàn toàn khác nhau.
    • Một là giả vờ xin giảng hòa với quân Xiêm để phân hóa nội bộ kẻ thù. Một tù binh người Chân Lạp đã được Nguyễn Huệ cử làm sứ giả, đem của cải đến đại bản doanh của quân Xiêm La và nói rằng:
“Tân triều (ý muốn chỉ Tây Sơn - NKT) và cựu triều (ý muốn chỉ tập đoàn Nguyễn Ánh - NKT) của nước chúng tôi giành đất và giành dân với nhau, chẳng thể nào dung tha cho nhau được. Nước chúng tôi cùng với Xiêm La xa xôi và cách trở, trâu ngựa không đánh hơi nhau được, chẳng hay là Vương tử (chỉ Chiêu Tăng và Chiêu Sương - NKT) đến chốn này làm gì? Chi bằng hai nước chúng ta hãy hòa hiếu với nhau, xong việc, chúng tôi sẽ theo lệ tiến cống, như thế có phải là được lợi lâu dài không? Vậy việc cựu chúa (chỉ Nguyễn Ánh - NKT) của nước chúng tôi xin để mặc chúng tôi tự lo liệu, xin Vương tử chớ bận tâm lo lắng việc giúp đỡ” (Vũ Thế Dinh. Mạc thị gia phả).
Chiêu Tăng và Chiêu Sương cũng là hai viên tướng lòng dạ rất nham hiểm, chúng muốn “tương kế tựu kế”, lợi dụng việc Nguyễn Huệ xin giảng hòa để do thám tình hình bố phòng của Tây Sơn. Về phần mình, Nguyễn Huệ cũng vờ như không hề hay biết, cứ “ngày ngày sai người sang mời quân Xiêm đến xem chiến thuyền và khoe bày mọi chiến cụ của mình. Khi quân Xiêm về thì tặng cho vóc lụa” ((Vũ Thế Dinh. Mạc thị gia phả). Kết quả là Chiêu Tăng và Chiêu Sương ngày một hí hửng, vì cho là Nguyễn Huệ hao tiền tốn của mà vẫn mắc mưu, còn Nguyễn Ánh thì ngày một nghi kị Chiêu Tăng và Chiêu Sương. Mối bất hòa trong nội bộ kẻ thù bộc lộ cũng ngày một sâu sắc. Để xóa tan sự ngờ vực của Nguyễn Ánh, chính Chiêu Tăng đã có lần thề thốt rằng:
“Tôi phụng mệnh quốc vương mình đem quân vượt biển đến giúp, nay chưa phân thắng bại mà tôi lại tham của cải thì có khác gì thú phản chủ? Nếu vì hám lợi mà để thua trận, làm nhục đến quốc thể, thì làm sao tôi có thể trốn khỏi tội trời tru đất diệt? Xin chớ nghi ngờ” ((Vũ Thế Dinh. Mạc thị gia phả).
    • Hai là, tranh thủ thời gian hòa hoãn rất ngắn ngủi nói trên, Nguyễn Huệ nhanh chóng bố trí trận địa để chuẩn bị quyết chiến với quân xâm lược. Đoạn sông Tiền, từ Rạch Gầm về đến cù lao Thới Sơn được chọn làm chiến trường chính. Lực lượng Tây Sơn được huy động đến ở đây gồm đủ cả thủy binh lẫn bộ binh, trong đó, thủy binh giữ vai trò quan trọng nhất. Dự tính của Nguyễn Huệ là sẽ tiêu diệt quân Xiêm La và quân bản bộ của Nguyễn Ánh bằng một trận mai phục: Chiến thuyền Tây Sơn được Nguyễn Huệ mai phục sẵn ở Rạch Gầm và ở rạch Xoài Mút, tức là ở nơi hoàn toàn bất ngờ đối với quân Xiêm La, bởi vì trước đó, chúng từng được phép tới nơi đóng quân của Nguyễn Huệ, từng có dịp qua lại nhiều lần trên chính đoạn sông này.
Điều không ngờ, cũng là rất không may cho quân Xiêm La là khi Nguyễn Huệ bố trí trận địa chắc chắn xong xuôi đâu đó rồi, chúng mới bắt đầu tấn công.
  • Trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm - Xoài Mút (đêm ngày 19 rạng ngày 20 tháng 1 năm 1785)
 
Nguyễn Huệ đại phá quân Xiêm
Từ Trà Tân, Chiêu Tăng và Chiêu Sương vẫn thường xuyên nhận được tin báo rằng, Nguyễn Huệ đóng quân ở Mỹ Tho, không hề thấy chuẩn bị đối phó gì cả, vì thế chúng cứ hí hửng cho là kế lớn đã thành, chỉ cần bất ngờ cho quân đến tấn công thì nhất định sẽ giành đại thắng.Chính Chiêu Tăng đã nói với Nguyễn Ánh rằng:
“Giặc (chỉ Tây Sơn - NKT) rất tin tôi, cho nên, tất nhiên là sẽ không phòng bị. Ta nên nhân đó mà đánh ngay. Vậy, xin hẹn đến đêm mồng 9 tháng này (tháng chạp năm Giáp Thìn, 1784 NKT), Quốc Vương (chỉ Nguyễn Ánh - NKT) hãy đem ngự binh đi trước xông vào binh thuyền của chúng, tôi và các tướng bản bộ sẽ đem tất cả chiến thuyền lớn nhỏ tiến theo, đánh phá chiến thuyền chắn ngang sông của giặc thì nhất định sẽ toàn thắng” (Vũ Thế Dinh. Mạc thị gia phả).
Thực ra, kẻ mắc mưu lại chính là Chiêu Tăng và Chiêu Sương. Nguyễn Huệ đã bí mật bố trí một trận đồ mai phục để chờ đợi chúng. Như trên đã nói, chiến thuyền của Nguyễn Huệ đã được giấu kín ở Rạch Gầm và ở Xoài Mút. Lực lượng khác của Nguyễn Huệ cũng đã được sắp đặt sẵn ở hai bên bờ sông Tiền và ở cù lao Thới Sơn. Những gì mà quân Xiêm La thấy được chỉ là bộ phận làm nhiệm vụ nghi binh mà thôi.
Rạch Gầm tức Sầm Giang, ngày nay tuy chỉ là một con rạch khá lớn, nhưng hơn 200 năm trước lại là một con sông, chiến thuyền cỡ lớn có thể dễ dàng qua lại. Rạch Gầm bắt nguồn từ Giồng Trôm (Bến Tre) rồi đổ ra sông Tiền.
Xoài Mút tức Xoài Hột, lại còn có tên khác nữa là sông An Đức. Ngày nay, Xoài Mút là một con rạch nhỏ, nhưng cách đây hơn 200 năm, Xoài Mút khá lớn, chiến thuyền có thể qua lại dễ dàng. Xoài Mút cũng là một trong những hợp lưu của sông Tiền.
Sơ đồ trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm - Xoài Mút

Cù lao Thới Sơn nằm ở giữa sông Tiền, án ngữ cửa rạch Xoài Mút và cách Mỹ Tho không bao xa. Đây là một cù lao thuộc loại lớn, đủ để Nguyễn Huệ có thể bố trí bộ binh và đại bác, chặn đứng cuộc tấn công của Chiêu Tăng và Chiêu Sương lên Mỹ Tho. Như vậy, Rạch Gầm, Xoài Mút và cù lao Thới Sơn được Nguyễn Huệ sử dụng như ba vị trí then chốt, vừa chặn đầu, vừa khóa đuôi, dồn đối phương vào thế bị bao vây và bị tấn công tiêu diệt, không cách gì chống đỡ nổi.
Ngoài ra, ở Rạch Rau Răm (một vị trí nằm giữa Rạch Gầm với cù lao Trà Tân hay cù lao Năm Thôn), Nguyễn Huệ còn bố trí một đơn vị thủy binh nhỏ, đại để cũng như là chốt tiền tiêu của quân đội Tây Sơn. Trước khi đến Mỹ Tho, quân Xiêm La buộc phải đi qua vị trí này.
Chiến thuyền Tây Sơn
Đêm ngày 19 rạng ngày 20 tháng 1 năm 1785 (Mạc thị gia phả chép là canh năm, đêm mồng 9 tháng chạp năm Giáp Thìn (đêm 19, rạng 20 tháng 1 năm 1785). Bức thư của Nguyễn Ánh gửi giáo sĩ J.Liot thì nói là đêm mồng 8 tháng chạp năm Giáp Thìn (tức là đêm 18 rạng ngày 19 tháng 1 năm 1785). Phần lớn các nhà sử học Việt Nam hiện đại đều lấy theo ngày ghi trong Mạc thị gia phả) Chiêu Tăng và Chiêu Sương hạ lệnh tấn công vào đại bản doanh của Nguyễn Huệ ở Mỹ Tho. Quân bản bộ của Nguyễn Ánh gồm khoảng ba bốn ngàn tên, bị Chiêu Tăng và Chiêu Sương đẩy đi trước. Nhưng Nguyễn Ánh không tin ở thắng lợi, vì thế đã cố tìm cách đi sau. Một số bề tôi thân tín như Trần Phúc Giai (người Vĩnh Bình, nay thuộc Trà Vinh), Nguyễn Văn Bình (hiện chưa rõ lai lịch) và Lê Văn Duyệt (1763-1832) (người gốc Quảng Ngãi, sinh trưởng tại Rạch Gầm, nay thuộc Tiền Giang)... được bố trí đi cùng để hộ vệ Nguyễn Ánh. Như thế vẩn chưa đủ, Nguyễn Ánh còn sai Mạc Tử Sinh (người Hà Tiên (Kiên Giang), dòng dõi của Mạc Cửu) bí mật bố trí một lối thoát dành riêng cho Nguyễn Ánh để đề phòng khi có chuyện chẳng lành xảy ra.
Khi xuất quân ở Trà Tân, Chiêu Tăng và Chiêu Sương gặp thuận lợi vì thủy triều đang rút, chiến thuyền của chúng cứ xuôi theo dòng nước mà tiến (Nguyễn Ngọc Thụy. Nước triều và dòng triều trong Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Báo cáo khoa học đọc tại Hội nghị khoa học nhân kỷ niệm 200 năm ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Tiền Giang xuất bản, 1985)). Chúng qua chốt tiền tiêu của Tây Sơn ở Rạch Rau Răm một cách dễ dàng bởi ở đó chỉ còn một bộ phận nhỏ của Tây Sơn làm nhiệm vụ nghi binh mà thôi (Truyền thuyết dân gian địa phương kể rằng, Nguyễn Huệ đã huy động nhân dân Tiền Giang và Bến Tre đóng góp vỏ trái dừa khô, xong, vẽ thành mặt người và chất đầy thuyền. Giặc bắn vào, vỏ dừa khô nổi bập bềnh trên nước, khiến chúng tưởng là “chém giết không biết bao nhiêu mà kể”).
Giặc hùng hổ tiến về Mỹ Tho, nhưng khi khoảng 300 chiến thuyền của chúng lọt vào khoảng giữa Rạch Gầm và Xoài Mút thì thủy triều bắt đầu lên, lợi thế xuôi dòng của chúng không còn nữa ((Nguyễn Ngọc Thụy. Nước triều và dòng triều trong Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Báo cáo khoa học đọc tại Hội nghị khoa học nhân kỷ niệm 200 năm ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Tiền Giang xuất bản, 1985)).
Và đúng lúc đó, từ Rạch Gầm, từ Xoài Mút, từ cù lao Thới Sơn và từ hai bên bờ sông Tiền, lực lượng thủy bộ của Tây Sơn đồng loạt tấn công. Ngay từ phút giao tranh đầu tiên, hỏa lực của Tây Sơn đã giành được thế áp đảo. Nguyễn Huệ trực tiếp ra đốc chiến và hạ lệnh đánh đến cùng, “vì thế, tướng sĩ đều liều chết, không nghĩ gì đến tính mệnh, tấn công rất mãnh liệt” (Vũ Thế Dinh. Mạc thị gia phả).
Mọi cố gắng chống cự của Chiêu Tăng và Chiêu Sương đều bị đập tan. Chiến thuyền của giặc, thứ bị thiêu trụi, thứ bị nhận chìm. Quân giặc số bị trúng tên đạn, số bị chém, số khác lại chết đuối giữa sông... Hàng ngàn tên cố liều chết vượt lên bờ thì bị bắt sống. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 ngày, toàn bộ quân Xiêm La và quân bản bộ của Nguyễn Ánh đã đại bại. Chiêu Tăng phải liều chết mở đường máu, bỏ cả thuyền mà chạy bộ sang Chân Lạp mới may mắn thoát chết.
Mờ sáng hôm sau, khi nghe tiếng đại bác liên tục nổ từ xa, Mạc Tử Sinh đang tràn đầy hy vọng là sẽ có tin chiến thắng, thì bỗng thấy Nguyễn Ánh cùng các tướng thân tín hốt hoảng chạy đến. Mạc Tử Sinh vội vã lấy thuyền chở Nguyễn Ánh trốn đi xa.
Chiêu Tăng và Chiêu Sương cùng đám tàn quân chạy sang đất Chân Lạp, tạm hoàn hồn mới điểm lại thì thấy 5 vạn quân thủy bộ chỉ còn lại hơn 1 vạn tên nữa mà thôi (Vũ Thế Dinh. Mạc thị gia phả). Vua Xiêm La là Chakkri tức giận nói rằng: “Hai tên súc sinh là Chiêu Tăng và Chiêu Sương làm việc kiêu căng và hung hãn, vào sâu trong đất giặc (chỉ Tây Sơn - NKT) mà không vâng lệnh quốc vương, tàn hại dân của họ” (Vũ Thế Dinh. Mạc thị gia phả). Ngay sau khi nghe tin Chiêu Tăng và Chiêu Sương bại trận, Chakkri vội vã sai tướng Phi Nhã Xuân đem thêm 10 chiến thuyền đi cứu nguy. Nhưng Phi Nhã Xuân vừa xuất quân thì đã thấy tàn quân của Chiêu Tăng và Chiêu Sương đang hốt hoảng chạy về. Chúng nói với Phi Nhã Xuân rằng:
“Chủ tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đại bại, đã theo đường bộ, băng qua Chân Lạp mà chạy. Chúng tôi bị thua ở sau, chẳng biết họ sống chết thế nào, may cướp được thuyền của dân mà thoát được về đây” (Vũ Thế Dinh. Mạc thị gia phả).
Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút
Quân bản bộ của Nguyễn Ánh cũng cùng chung số phận. Nguyễn Ánh được Mạc Tử Sinh đón chạy trước, về đến đất Hà Tiên, quân sĩ tùy tùng của Nguyễn Ánh chết còn 200 tên. Và, chưa kịp nghỉ chân đã bị Tây Sơn truy đuổi. Nguyễn Ánh đã phải bỏ Hà Tiên chạy ra đảo Thổ Châu, đảo Cổ Cốt và sau cùng là chạy sang Xiêm La. Đó là một cuộc tháo chạy nhục nhã nhất trong cuộc đời của Nguyễn Ánh. Đã có lúc vì cạn lương ăn, tướng của Nguyễn Ánh là Nguyễn Văn Thành phải đi ăn cướp, chẳng dè, bị đánh trọng thương, xuýt chết.
Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời của lịch sử dân tộc.

Với Rạch Gầm - Xoài Mút”, Nguyễn Huệ đã có công viết nên khúc tráng ca đầu tiên về sự nghiệp chống xâm lăng của nhân dân Gia Định. Với Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã có công làm phong phú thêm kho tàng khoa học quân sự của tổ tiên ta. Cũng với Rạch Gầm - Xoài Mút và từ Rạch Gầm - Xoài Mút, phong trào Tây Sơn chuyển hẳn sang một giai đoạn hoàn toàn mới, giai đoạn đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau: vừa không ngừng mở rộng quy mô và phạm vi của cuộc đấu tranh chống giai cấp phong kiến thống trị tàn bạo trong cả nước, vừa dũng cảm vươn lên đảm nhận sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc. Nói khác hơn, với Rạch Gầm - Xoài Mút và từ Rạch Gầm - Xoài Mút, giai đoạn hào quang rực rỡ nhất của Tây Sơn bắt đầu.
7. Tổng chỉ huy trận tấn công tiêu diệt lực lượng quân Trịnh ở Phú Xuân (năm 1786, năm 33 tuổi), giải phóng vùng đất cuối cùng của xứ Đàng Trong
Sau chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn và tại đây, chính Nguyễn Huệ vừa là người đề xuất ý kiến, lại cũng là người trực tiếp vạch kế hoạch và chỉ huy quân Tây Sơn tấn công vào lực lượng quân Trịnh đang đóng ở vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra, trong đó, vị trí quan trọng nhất là Phú Xuân.
Năm 1774 (Tham khảo Khởi nghĩa Tây Sơn - Giai đoạn thứ hai: Khởi nghĩa và chiến đấu quyết liệt ở xứ Đàng Trong), lợi dụng lúc Chúa Nguyễn lúng túng bởi cuộc tấn công ồ ạt của Tây Sơn, Chúa Trịnh đã sai Hoàng Ngũ Phúc đem 3 vạn quân, vượt sông Gianh, đánh thẳng vào xứ Đàng Trong. Nhờ chủ trương khôn khéo của Bộ chỉ huy Tây Sơn, quân Hoàng Ngũ Phúc tạm dừng các cuộc tấn công vào Tây Sơn và sau cùng, chỉ chiếm đóng miền đất từ đèo Hải Vân trở ra mà thôi.
Tháng chạp năm Ất Mùi (1775), Chúa Trịnh là Trịnh Sâm triệu Hoàng Ngũ Phúc về. Hai viên tướng cao cấp là Bùi Thế Đạt (người làng Tiên Lý, huyện Đông Thành, nay thuộc Nghệ An) và Nguyễn Đình Đống (người làng Hương Duệ, huyện Kỳ Anh, nay thuộc Hà Tĩnh) được cử tới thay. Các văn thần như Phan Lê Phiên (1735-1809) (người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay là thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1757), Uông Sĩ Điển (người làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan, nay là xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đỗ Tiến sĩ năm 1766) và Nguyễn Lệnh Tân (người làng Phù Lê huyện Thụy Nguyên, nay là xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Tiến sĩ năm 1763) cũng được cử tới để giúp sức. Sau, Chúa Trịnh Sâm còn phái tiếp hai văn thần nữa là Lê Quý Đôn (1726-1784) (người làng Diên Hà, huyện Diên Hà, nay là xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đỗ Bảng nhãn năm 1752) và Nguyễn Mậu Dĩnh (hiện chưa rõ lai lịch), hy vọng sẽ sớm ổn định được tình hình ở vùng đất mới chiếm.
Tháng 8 năm Bính Thân (1776), tướng Phạm Ngô Cầu được Trịnh Sâm chỉ định làm Trấn thủ, thay cho Bùi Thế Đạt. Tướng Hoàng Đình Thể (người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, nay thuộc Thanh Hóa, đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ)) cũng được lệnh đem quân đến đóng ở châu Bố Chính để sẵn sàng ứng cứu cho Phạm Ngô Cầu. Chỉ trong vòng vài ba năm, tình hình Thuận Hóa đã tạm ổn, các văn thần lần lượt được rút về Thăng Long. Các đồn lũy của quân Trịnh từ đèo Hải Vân trở ra được xây đắp rất chắc chắn. Tóm lại, việc tấn công ra Thuận Hóa không phải là dễ dàng đối với quân đội Tây Sơn.
Tuy nhiên, nếu quân Trịnh có thuận lợi là đồn lũy vững chắc, lại được đèo Hải Vân che chở ở phía Nam, thì quân Trịnh cũng có khó khăn, đó là nội bộ tướng lĩnh mất đoàn kết. Ngoài ra, chủ tướng của quân Trịnh ở Thuận Hóa lúc ấy là Phạm Ngô Cầu còn rất mê tín và tham lam. Chính những chỗ yếu kém này đã gây nên những tác hại không nhỏ.
Là người chịu trách nhiệm cao nhất trong cuộc tấn công vào Thuận Hóa, Nguyễn Huệ đã chuẩn bị một cách rất khẩn trương nhưng cũng rất chu tất. Việc đầu tiên mà Nguyễn Huệ quyết thực hiện bằng được là lập mưu dể chia rẽ kẻ thù. Chừng nào Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể còn chung lưng đấu cật với nhau, thì chừng đó, cuộc tấn công của Tây Sơn còn gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ nhận thức đó, Nguyễn Huệ đã nghĩ kế ly gián Phạm Ngô Cầu với Hoàng Đình Thể. Nhân vật được Nguyễn Huệ chọn để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này là Nguyễn Hữu Chỉnh (người làng Động Hải, huyện Chân Phúc, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Năm 1774, khi Hoàng Ngũ Phúc được Trịnh Sâm sai đem 3 vạn quân đánh vào xứ Đàng Trong, Nguyễn Hữu Chỉnh là thư ký riêng của Hoàng Ngũ Phúc. Chính Hoàng Ngũ Phúc đã sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem sắc phong, ấn, kiếm và cờ hiệu Tây Sơn Hiệu Trưởng Tiên phong Tướng quân ban cho Nguyễn Nhạc. Tháng 12 năm 1775, khi Hoàng Ngũ Phúc được triệu về Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đi theo. Đầu năm 1776, Hoàng Ngũ Phúc mất, Nguyễn Hữu Chỉnh theo hầu Hoàng Đình Bảo (người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Hoàng Đình Bảo (tức là Hoàng Đăng Bảo, Hoàng Tố Lý), được phong tới tước Quận công, cho nên, sử cũ thường gọi ông là Quận Huy. Quận Huy là con rể của Chúa Trịnh Doanh (1740-1767), vì thế rất được Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) và đặc biệt là vợ của Trịnh Sâm (bà Đặng Thị Huệ) sủng ái (Hoàng Đình Bảo về sau có lúc bị Trịnh Sâm ghét bỏ nhưng đó chỉ là nhất thời, còn Đặng Thị Huệ thì đặc biệt sủng ái Hoàng Đình Bảo). Năm 1782, Hoàng Đình Bảo bị kiêu binh nổi loạn giết chết. Nguyễn Hữu Chỉnh bơ vơ vì không còn biết nương tựa vào ai, bèn chạy vào Nghệ An. Cùng chạy loạn một lần với Nguyễn Hữu Chỉnh còn có tướng Hoàng Viết Tuyển (người làng Vạn Phân, huyện Đông Thành, nay thuộc Nghệ An). Đến Nghệ An, Nguyễn Hữu Chỉnh bàn với Võ Tá Dao (người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, nay thuộc xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) là tướng Trấn thủ ở đấy một kế hoạch làm phản khá táo bạo, nhưng thấy Võ Tá Dao chần chừ nên Nguyễn Hữu Chỉnh và Hoàng Viết Tuyển vội chạy vào Quy Nhơn, xin đầu hàng Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc rất mừng vì chẳng đánh mà vẫn bắt được tướng của họ Trịnh, chẳng mất công sai người đi do thám mà vẫn nắm được khá tỉ mỉ tình hình của Đàng Ngoài. Nguyễn Nhạc giao Nguyễn Hữu Chỉnh cho Nguyễn Huệ và đến đây thì Nguyễn Hữu Chỉnh được Nguyễn Huệ dùng vào việc ly gián Phạm Ngô Cầu với Hoàng Đình Thể. Bấy giờ, Nguyễn Hữu Chỉnh được lệnh viết thư bí mật hẹn với Hoàng Đình Thể về việc Hoàng Đình Thể sẽ xin quy hàng Tây Sơn, nhưng, bức thư ấy lại vờ để cho Phạm Ngô Cầu bắt được. Từ đó, Phạm Ngô Cầu luôn nghi ngờ Hoàng Đình Thể.

Điều không may cho Phạm Ngô Cầu là cũng vào lúc bấy giờ, Phạm Ngô Cầu có cử Nguyễn Phu Như (hiện chưa rõ lai lịch) đến Quy Nhơn, mượn tiếng trao đổi về biên giới để dò la tin tức, nhưng chính Nguyễn Phu Như lại khuyên các lãnh tụ Tây Sơn nên sớm đem quân ra đánh lấy Thuận Hóa. Cũng qua Nguyễn Phu Như, Nguyễn Huệ biết rõ Phạm Ngô Cầu là kẻ rất mê tín, vì thế, một nhân vật khác (Không thấy sử chép họ tên của nhân vật này) được đóng giả vai thầy coi tướng số từ xa tới để coi tướng số cho Phạm Ngô Cầu. Và theo lời khuyên của thầy coi tướng số này, Phạm Ngô Cầu đã lập đàn tràng cúng tế rất trọng thể tại chùa Thiên Mụ.
Đúng lúc nội bộ các tướng lĩnh của quân Trịnh đang mâu thuẫn với nhau, và cũng đúng lúc Phạm Ngô Cầu đang lo cúng tế thì quân Tây Sơn chia làm ba đạo, nhất loạt đánh vào Thuận Hóa.
- Đạo thứ nhất là đạo thủy binh do Nguyễn Lữ chỉ huy, từ Quy Nhơn, vượt biển tiến thẳng ra cửa sông Gianh (ở Quảng Bình), rồi từ đó đánh vào Phú Xuân (nay là Huế)).
- Đạo thứ hai cũng là đạo thủy binh do Vũ Văn Nhậm cầm đầu từ Quy Nhơn, vượt biển, đánh vào Phú Xuân, cầm chân quân Trịnh ở Phú Xuân để sau đó phối hợp với đạo quân của Nguyễn Huệ, san bằng căn cứ này.
- Đạo thứ ba là đạo bộ binh do đích thân Nguyễn Huệ chỉ huy. Đạo quân này băng qua đèo Hải Vân, đánh vào căn cứ của quân Trịnh ở đèo Hải Vân, ở Phú Xuân và sau đó là ở Dinh Cát (ở phía Bắc thị xã Quảng Trị, cách thị xã tỉnh Quảng Trị khoảng 2 cây số).
Sơ đồ trận Nguyễn Huệ tấn công vào Phú Xuân
Tháng 4 năm Bính Ngọ (1786), ba đạo quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ làm Tổng chỉ huy đồng loạt xuất phát. Diễn biến chung của trận đánh này được sử cũ ghi chép ngắn gọn như sau:
“Tướng giữ đồn (ở Hải Vân) là Hoàng Nghĩa Hồ (người làng Hoàng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, nay thuộc Nghệ An, đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ)) đem quân ra đánh, bị thiệt mạng. Nguyễn Huệ nhân đà thắng lợi cho quân tiến thẳng ra Thuận Hóa. Bấy giờ, (Phạm) Ngô Cầu đương đặt đàn chay lớn, bỗng nhận được tin thì lúng túng, không biết đối phó cách nào cho phải. Trước đây, vì có bức thư ly gián của Nguyễn Hữu Chỉnh, nên Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể vẫn ngờ vực lẫn nhau, quân sĩ cũng vì lẽ đó mà thành ra biếng nhác, nghi hoặc nhau và chẳng còn ý chí trận mạc gì nữa. Khi ấy thủy triều lên mạnh, giặc (chỉ quân Tây Sơn - NKT) nhất loạt tiến sát chân thành. Hoàng Đình Thể dốc quân bản bộ ra đánh, đạn dược và thuốc súng đều bị cạn nhưng Phạm Ngô Cầu vẫn đóng kín cửa thành, không chịu ra cứu viện. (Hoàng) Đình Thể cùng hai con, một người tên là Hoàng Đình Vị, một người không rõ tên và một viên tỳ tướng là Võ Tá Kiên (người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ)) bám lấy thành lũy để dàn trận. Họ đã đem hết sức ra đánh trả. Hai người con (của Hoàng Đình Thể) cưỡi ngựa xông ra, nhưng ngựa bị què, phải chạy bộ mà đánh đều bị thương và chết tại trận. Cả Hoàng Đình Thể và Võ Tá Kiên cũng đều tử trận. Nguyễn Huệ lại cho quân ồ ạt tiến lên. Phạm Ngô Cầu mở cửa thành, cho xe chở quan tài ra để xin hàng (Ý muốn tỏ ra rằng xin nạp mạng chịu chết). Tướng giữ chức Đốc Thị của quân Trịnh là Nguyễn Trọng Đang (người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, nay là thôn Trung Cần, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đỗ Tiến sĩ năm 1769) chết trong đám loạn binh. Giặc (chỉ quân Tây Sơn-NKT) xông vào thành, chém giết không biết bao nhiêu mà kể. Cả thành có những hơn 2 vạn tướng sĩ, rốt cuộc chỉ còn độ vài trăm người sống sót chạy về Bắc Hà được mà thôi. Các đồn như Dinh Cát và Động Hải (nay thuộc Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nghe tin (Phú Xuân thất thủ) cũng lập tức tháo chạy” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 46, tờ 15-16).
Tấn công vào Phú Xuân, giải phóng toàn bộ vùng đất từ đèo Hải Vân ra đến sông Gianh là một trong những trận lớn của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy. Thắng lợi của cuộc tấn công này đã tạo ra điều kiện hết sức thuận lợi để Tây Sơn tiếp tục mở rộng quy mô của cuộc đấu tranh trên phạm vi cả nước.  

 8. Tổng chỉ huy cuộc tấn công ra Đàng Ngoài (năm 1786, năm 33 tuổi), xóa bỏ biên giới sông Gianh, lật nhào cơ đồ thống trị gây dựng trên 200 năm của chúa Trịnh
Quang Trung Nguyễn Huệ
Thắng lợi của Nguyễn Huệ trong cuộc tấn công vào đất Thuận Hóa đã gây được tiếng vang rất lớn. Bấy giờ, thấy quân sĩ thất trận hoảng hốt chạy về, tướng chỉ huy quân Trịnh ở vùng bờ Bắc sông Gianh là Ninh Tốn ((1744-1790) (người làng Côi Trì, huyện Yên Mô, nay thuộc xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, đỗ Tiến sĩ năm 1778. Sau, ông theo Tây Sơn) cũng vội vã lui quân. Thế của quân Tây Sơn nhanh chóng tăng lên gấp bội. Nhân đó, hàng tướng Nguyễn Hữu Chỉnh liền bàn với Nguyễn Huệ nên đánh thẳng ra Đàng Ngoài. Và sử cũ đã chép lại cuộc đối thoại khá đặc biệt giữa Nguyễn Hữu Chỉnh với Nguyễn Huệ như sau:
“(Nguyễn) Huệ đánh bại (Phạm) Ngô Cầu, nhân đà thắng lợi, đánh ra cả vùng Đông Hải (nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Viên tướng giữ chức Trấn thủ ở đấy là Ninh Tốn liền bỏ thành mà chạy. (Nguyễn) Huệ liền sửa sang đồn lũy ở sông La (ở Hà Tĩnh), ý muốn chia ranh giới để chống giữ. Khi ấy, (Nguyễn Hữu) Chỉnh đến nói với (Nguyễn) Huệ rằng:
- Tướng quân chỉ một lần xuất chinh đã bình định được xứ Thuận Hóa, uy danh lừng lẫy vang động đến tận Bắc Hà (Phía bắc sông Gianh, tức xứ Đàng Ngoài). Về phép dụng binh, thì quan trọng nhất là thời, thứ hai là thế và thứ ba là cơ hội. Ba điều ấy mà lợi dụng được thì đến đâu cũng thắng cả. Nay ở Bắc Hà, tướng thì lười, quân thì kiêu, ta nhân thế đang đại thắng mà đánh tới, tức là chiếm lấy nước đã suy, kiêm tính nước đang loạn, thu về nước sắp mất. Thời ấy, cơ hội ấy, thiết nghĩ là không nên bỏ qua.
Nguyễn Huệ nói:
- Bắc Hà là nơi lắm nhân tài, há đâu dám coi thường?

(Nguyễn) Hữu Chỉnh đáp:
- Nhân tài Bắc Hà duy chỉ có một mình Chỉnh này mà thôi. Nay Chỉnh đi rồi, đâu còn ai nữa? Xin tướng công chớ ngờ.
(Nguyễn) Huệ cười, nói rằng:
- Người khác không đáng ngờ, có chăng chỉ là ông thôi.
(Nguyễn Hữu) Chỉnh tái mặt, từ tạ mà nói rằng:
- Chỉnh này cũng tự thấy mình là kẻ ngu hèn, nói quá như thế cũng chỉ cốt tỏ rằng đất Bắc Hà không có người tài đó thôi.
(Nguyễn) Huệ nói sang chuyện khác, cốt để an ủi (Nguyễn Hữu) Chỉnh:
- Nước có cơ nghiệp lâu dài những mấy trăm năm, nay nếu một sớm một chiều mà ta mang quân ra đánh lấy thì thiên hạ sẽ gọi đạo quân của ta là đạo quân gì?
(Nguyễn Hữu) Chỉnh nói:
- Nay ở Bắc Hà đã có Đế lại còn có Vương, đó là tai họa từ lâu để lại. Họ Trịnh tiếng là tôn phò Hoàng đế họ Lê nhưng thực là hiếp chế quá lắm. Người trong nước không tuân phục đã lâu rồi, nhưng sở dĩ chưa dám hành động là do chưa có thời và thế đó thôi. Tướng quân nên mượn tiếng phù Lê diệt Trịnh để đem quân ra thì khắp thiên hạ không ai là không theo. Đó là cơ hội ngàn năm mới có một thuở.
(Nguyễn) Huệ nói:
- Ngươi nói rất phải. Nhưng còn như việc trái mệnh (Ý nói Nguyễn Huệ chưa có mệnh lệnh của Nguyễn Nhạc) thì ta phải làm sao?
(Nguyễn Hữu) Chỉnh thưa:
- Kinh Xuân Thu dạy rằng, trái mệnh lệnh nhỏ mà lập được công lớn thì đó là công. Thế thì, vì việc lập công mà trái lệnh, phỏng có sợ gì? Vả chăng, tướng cầm quân ra trận thì dẫu có mệnh lệnh của vua cũng có quyền không theo, tướng công còn ngờ gì nữa?” (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30). 
Là người quả quyết lại có chí cả, sẵn gặp lời bàn của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ liền nhân đà thắng lợi, cho quân ồ ạt tiến ra Đàng Ngoài. Trước khi xuất quân, Nguyễn Huệ cử Nguyễn Lữ ở lại trông coi xứ Thuận Hóa, đồng thời, sai người về Quy Nhơn báo cho Nguyễn Nhạc biết. Kế hoạch của Nguyễn Huệ là chia quân làm hai đạo, cùng dùng chiến thuyền để tiến ra Bắc.
- Đạo thứ nhất giao cho Nguyễn Hữu Chỉnh cầm đầu. Sở dĩ Nguyễn Hữu Chỉnh được trao trọng trách này là vì ông vốn người Đàng Ngoài rất quen thuộc đường đi lối lại, cũng như sở trường và sở đoản của quân đội họ Trịnh. Nhiệm vụ của Nguyễn Hữu Chỉnh là tiến nhanh đến chiếm lĩnh vùng cửa sông Vị Hoàng và sau khi chiếm được thì đốt lửa làm hiệu.
- Đạo thứ hai do đích thân Nguyễn Huệ chỉ huy, cũng dùng chiến thuyền làm phương tiện hành quân nhưng đi sau đạo thứ nhất.
Khẩu hiệu hành quân của Nguyễn Huệ là Phù Lê, diệt Trịnh. Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn bắt đầu xuất phát. Trước đó, tin bại trận ở Thuận Hóa cứ liên tiếp truyền về, vì thế, tinh thần chung của quân Trịnh đã rất rệu rã. Quân Tây Sơn tiến thẳng một mạch qua các vùng như Nghệ An, Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay mà hầu như không gặp chút kháng cự nào đáng kể. Các tướng của chúa Trịnh như Bùi Thế Toại (con của Bùi Thế Đạt. Ông người làng Tiên Lý, huyện Đông Thành, nay thuộc Nghệ An, đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), Tạ Danh Thùy (hoạn quan, người làng Khương Thượng, huyện Yên Mô, nay thuộc Ninh Bình)... vừa nghe tin Tây Sơn đến đã vội vàng bỏ chạy.
Đạo quân do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy đã nhanh chóng chiếm Vị Hoàng (Sông Vị Hoàng thuộc Trấn Sơn Nam, nay thuộc Nam Định) đúng như kế hoạch đã định. Theo ghi chép của sử cũ (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, hồi thứ 4) thì Tây Sơn đã thu được rất nhiều lương thực và thực phẩm, đủ để ung dung tổ chức cuộc tấn công có thể sẽ phải kéo dài vào khu vực đầu não của tập đoàn họ Trịnh.

Trong lúc đại quân của Nguyễn Huệ đang tiến như bay thì tại Thăng Long, Phủ chúa Trịnh vẫn bối rối, không sao tìm ra được cách đối phó. Có người bàn rằng:
“Thuận Hóa vốn chẳng phải là đất đai của triều đình, trước kia phải tốn bao nhiêu công sức và của cải mới lấy được, mà rốt cuộc lại cũng chẳng có ích lợi gì. Bây giờ chỉ nên bàn cách đem quân đóng giữ Nghệ An mà thôi” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 46, tờ 17. Hoàng Lê nhất thống chí, hồi thứ 4 cũng chép tương tự)
Triều đình cho lời bàn ấy là phải, vì thế chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Khải (tức Trịnh Tông, sinh năm Quý Mùi (1763), nối nghiệp Chúa từ năm 1782 và ở ngôi chúa cho đến năm 1786 thì bị giết) quyết định cử tướng Trịnh Tự Quyền (người làng Phù Lỗ, huyện Kim Anh, nay thuộc ngoại thành Hà Nội) làm Thống tướng đem quân vào giữ đất Nghệ An và sẵn sàng đối địch với Tây Sơn. Nhưng Trịnh Tự Quyền là kẻ nhát gan, mới nghe tiếng Tây Sơn đã khiếp vía, vì thế cứ trù trừ mãi, không chịu tập hợp gấp binh mã để lên đường. Khi Nguyễn Huệ chiếm được Vị Hoàng thì Trịnh Tự Quyền mới ra khỏi kinh thành Thăng Long được ba mươi dặm!
Trước tình thế đó, Trịnh Khải buộc phải thay đổi kế hoạch. Trịnh Tự Quyền được lệnh đem quân đến Kim Động (nay thuộc Hưng Yên) để sẵn sàng đón đánh Tây Sơn. Tướng Đỗ Thế Dận (người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông là võ quan cao cấp của Đàng Ngoài nhưng không thấy sử cũ chép ông có đỗ đạt gì hay không) nguyên là Trấn thủ trấn Sơn Nam đem tất cả quân bản bộ đến đóng tại bãi Phù Sa (ở xã Phù Sa, huyện Đông Yên cũ, nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Tướng Đinh Tích Nhưỡng (người làng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc Hải Dương, dòng dõi của Đinh Văn Tả) thì chỉ huy thủy quân, đến giữ cửa sông Luộc (nằm giáp giới giữa Hưng Yên với Thái Bình). Trịnh Tự Quyền, Đỗ Thế Dận và Đinh Tích Nhưỡng phải sắp đặt đường dây liên lạc và luôn luôn sẵn sàng trong tư thế phối hợp để ứng cứu lẫn nhau. Tóm lại, quyết chí của Trịnh Khải không phải là nhỏ, mưu lược của Trịnh Khải cũng không phải là thấp. Nhưng quyết chí ấy, mưu lược ấy chưa đủ để đối đầu với một thiên tài quân sự như Nguyễn Huệ. Diễn biến của trận đánh được sử cũ mô tả rất ngắn gọn nhưng cũng khá đầy đủ như sau:
“Đương đêm, chợt thấy chiến thuyền của giặc (chỉ Tây Sơn NKT), từ phía hạ lưu, nhân chiều gió mà tiến thẳng vào. (Đinh) Tích Nhưỡng liền sai quân sĩ bày chiến thuyền theo thế trận chữ nhất (一) để chắn ngang sông. Thế rồi tên nỏ và súng đạn cùng nhất loạt bắn tới tấp. Xa trông thấy có một chiến thuyền của Tây Sơn vỡ tung và đắm xuống, ai cũng lấy làm vui. Nhưng các chiến thuyền khác của Tây Sơn vẫn bất chấp, nối nhau mà tiến lên, tất cả im lặng, không một tiếng người. Trong lúc (quân của Đinh Tích Nhưỡng) lấy làm lo sợ thì trời sáng rõ dần. Bấy giờ họ mới biết chiến thuyền Tây Sơn chỉ chở toàn bù nhìn, theo chiều gió và thuận dòng nước mà tiến chứ chẳng thấy lính tráng nào cả. Tên nỏ và đạn dược đã cạn, quân Đinh Tích Nhưỡng không sao chống đỡ được nữa. Chiến thuyền thật của giặc khi ấy mới xuất hiện. Giặc reo hò xông lên, thanh thế kinh thiên động địa.
Một đạo quân khác của giặc nhanh chóng đánh mạnh vào thế trận của Đỗ Thế Dận. Ống phun lửa phun loạn xạ. Quân của Đỗ Thế Dận kinh sợ bỏ chạy. Quân của Đinh Tích Nhưỡng la hét om sòm, giành nhau thuyền mà trốn. Quân của Trịnh Tự Quyền chợt nghe tin cũng hoảng hốt mà tan vỡ.
Giặc đánh chiếm được Sơn Nam và gửi hịch đi khắp các địa phương, nói rõ ý định Phò Lê, diệt Trịnh” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 46, tờ 18).
Sau khi đè bẹp lực lượng của Trịnh Tự Quyền, Đỗ Thế Dận và Đinh Tích Nhưỡng, Nguyễn Huệ hạ lệnh cho quân tiến thẳng ra Thăng Long. Bấy giờ ở Thăng Long, tướng tá cũng như các đại thần phần nhiều chỉ lo việc chạy trốn, ít ai bàn chuyện đánh trả cả. Trịnh Khải bối rối chưa biết toan liệu ra sao thì Nguyễn Lệ (tức Nguyễn Khản, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh,. đỗ Tiến sĩ năm 1760. Ông là con của Nguyễn Nghiễm, anh của Nguyễn Du) thua trận từ Nghệ An chạy ra. Nguyễn Lệ bàn rằng:
“Nên sai tướng giữ kinh thành còn Chúa thì rước Vua chạy lên Sơn Tây để lo tính việc về sau. Nếu đánh nhau với giặc thì kiêu binh không thể dùng được, việc nước do vậy sẽ hỏng hết” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 46, tờ 19).
Trịnh Khải toan nghe theo lời bàn của Nguyễn Lệ thì tin này chẳng hiểu sao đã lan ra với kiêu binh. Kiêu binh bèn họp nhau lại, quát nạt ầm ĩ, cho là Nguyễn Lệ đã rước giặc vào kinh thành rủ nhau tìm giết Nguyễn Lệ. Hoảng quá, Nguyễn Lệ phải bỏ trốn lên Sơn Tây.

Nguyễn Lệ bỏ trốn rồi, tình hình trong phủ chúa càng thêm rối ren. Trịnh Khải tức giận, đổ lỗi cho quan Tham tụng Bùi Huy Bích (1744-1802) (người làng Định Công, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội, đỗ Hoàng giáp năm 1769) và sau đó là vội vã nghe theo lời bàn của Trần Công Xán (người làng An Vĩ, huyện Đông Yên, nay là xã An Vĩ, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên, đỗ Tiến sĩ năm 1772. Ông còn có tên là Trần Công Thước). Sử cũ chép như sau:
“(Trịnh) Khải cho là quan Tham tụng Bùi Huy Bích giữ chức việc trong phủ mà không có công trạng gì, đến đây cũng chẳng có mưu chước gì cứu vãn tình thế, cho nên lòng đã chán ghét, bèn cho (Bùi) Huy Bích ra làm Đốc chiến rồi triệu Trần Công Xán (tên cũ là Trần Công Thước) vào Phủ chúa để bí mật bàn định mưu kế, hoặc đánh, hoặc lánh. (Trần) Công Xán nói:
- Giặc đem đội quân thế trơ trọi vào sâu trong đất ta, đó là điều binh pháp tối kỵ. Nay nên nhử chúng đến gần rồi đánh một trận, giết nhẵn nhụi mới thôi. Còn như kinh sư là đất căn bản, không thể lìa bỏ mà đi được. Nếu tình thế quá ngặt nghèo, không sao xoay xở được thì cũng quyết đánh một trận cuối cùng.
(Trịnh) Khải cho lời ấy là phải” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 46, tờ 20).
Trịnh Khải lập kế hoạch đối phó như sau:
- Triệu tướng Hoàng Phùng Cơ (người làng Vân Cốc, huyện Bạch Hạc, nay thuộc Hà Tây) từ Sơn Tây về, trao cho chức Tiên phong Tướng quân, đem quân đóng giữ tại hồ Vạn Xuân (còn có tên gọi khác là hồ Vạn Phúc, ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và sông Thúy Ái (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội).
- Đích thân Trịnh Khải đem quân bày sẵn thế trận tại bến Tây Long (xưa thuộc huyện Thọ Xương, nay thuộc nội thành Hà Nội. Bến cũ không còn nữa), chặn đứng cuộc tấn công của Tây Sơn vào thành Thăng Long.
- Các tướng như Nguyễn Trọng An (tức Nguyễn Trọng Diệu, người làng Linh Đường, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội), Ngô Cảnh Hoàng (người làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà, nay thuộc Hà Tĩnh. Ông còn có tên khác là Nguyễn Phúc Hoàn) cũng được lệnh dàn chiến thuyền để đợi quân Tây Sơn đến là đánh theo chỉ huy chung của Trịnh Khải.
Nhưng quân Tây Sơn vừa xông vào thì trận đồ của Trịnh Khải đã tan vỡ. Hoàng Phùng Cơ cùng 8 người con trai, cũng là 8 viên tướng, chống đỡ được một lúc thì đại bại. 6 người con của Hoàng Phùng Cơ bị giết tại trận. Hoàng Phùng Cơ đem 2 người con còn lại chạy trốn.
Các tướng chỉ huy thủy quân như Nguyễn Trọng An và Ngô Cảnh Hoàn bị chém tại trận. Một viên tướng khác là Mai Thế Pháp (còn có tên khác là Mai Thế Dương, người làng Thạch Giản, huyện Nga Sơn, nay thuộc Thanh Hóa. Trong trận này, 2 con trai của Mai Thế Pháp, cũng là 2 viên tướng, cùng bị giết) cũng bị Tây Sơn giết chết.
Tại bến Tây Long, Trịnh Khải mặc nhung phục, ngồi trên bành voi, tự mình làm tướng để chỉ huy quân sĩ. Nhưng, hiệu lệnh của Trịnh Khải chẳng ai nghe, thấy Tây Sơn đến là mạnh ai nấy chạy. Trịnh Khải lo sợ, định quay về Phủ, nhưng khi đến cửa Tuyên Võ (tên một cửa dẫn vào Phủ chúa xưa) thì đã thấy cờ xin đầu hàng cắm la liệt rồi. Không còn cách nào khác, Trịnh Khải bèn dẫn theo chừng hơn 100 voi chiến, chạy lên Sơn Tây. Dọc đường, bề tôi của Trịnh Khải đều bỏ trốn, chẳng còn ai nghĩ tới Chúa nữa.
Kết cục cuộc đời của Trịnh Khải rất bi đát. Chuyện này được sử cũ chép lại khá chi tiết như sau:
“Trịnh Khải chạy đến Hạ Lôi, huyện Yên Lãng (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thì quân sĩ tan tác hết. Bấy giờ, có quan Thiêm sai giữ chức việc ở Lại phiên là Lý Trần Quán (người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm, nay thuộc Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1766) cũng tình cờ đi chiêu mộ binh lính và có mặt tại đấy, vì thế Trịnh Khải và Lý Trần Quán mới gặp nhau. (Lý) Trần Quán liền nói dối với người học trò của mình là Nguyễn Trang (người làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng) rằng:
- Đây là quan Tham tụng họ Bùi, chạy nạn mà lạc đến đây. Anh hãy giúp ta hộ vệ ngài qua khỏi địa giới của huyện này.
Nguyễn Trang đã biết đấy là Chúa Trịnh, bèn cùng với đồ đảng là Nguyễn Ba (tức là Nguyễn Na, bạn của Nguyễn Trang, người làng Vân Điềm, huyện Đông Ngàn, nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh) bắt Trịnh Khải đem đến nạp cho giặc. (Lý) Trần Quán nghe tin này liền vội vàng chạy đến, vừa khóc vừa nói:
- Làm cho chúa phải lầm lỗi đến thế này là tội ở tôi.
Rồi nhân đó, (Lý Trần Quán) đem đại nghĩa mà dụ bảo bọn Nguyễn Trang. Nguyễn Trang nói:
- Sợ thầy không bằng sợ giặc, quý Chúa không bằng quý thân.
Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ - Công chúa Ngọc HânChèn chú thích ảnh vào đây
Nói xong liền giải Trịnh Khải đi. (Trịnh) Khải lấy dao cắt cổ tự tử. (Nguyễn) Trang đem thi thể của (Trịnh) Khải nạp cho giặc” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 46, tờ 21). Sách này còn cho biết thêm rằng, sau khi Trịnh Khải bị giải đi rồi, Lý Trần Quán sai người đào huyệt, mua quan tài và mặc lễ phục, nằm vào áo quan, nhờ người chôn sống. Khí khái của Lý Trần Quán được nho gia xưa rất ca ngợi.
Chỉ trong vòng 10 ngày, toàn bộ lực lượng quân đội của họ Trịnh đã hoàn toàn tan rã. Cơ nghiệp của họ Trịnh được gây dựng trên 200 năm đến đó là cáo chung. Bấy giờ, vua Lê là Lê Hiển Tông (tên thật là Lê Duy Diêu, sinh năm 1717, lên ngôi năm 1740, ở ngôi 46 năm (1740-1786). Ông là vua thứ 26 trong tổng số 27 đời vua của triều Lê (1428-1788). Vua cuối cùng của triều Lê là Lê Chiêu Thống (1786-1788)) đang lâm bệnh nặng. Sức sống của triều Lê cũng chẳng khác gì sức khỏe của vua Lê. Nguyễn Huệ vào Thăng Long, yết kiến vua Lê và khẳng định lại mục đích phò Lê, diệt Trịnh.
Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ - Công chúa Ngọc Hân
Sau lần tiếp kiến nói trên, Lê Hiển Tông đã đem Công chúa Ngọc Hân gả cho Nguyễn Huệ. Mối lương duyên giữa Nguyễn Huệ với Ngọc Hân Công chúa bắt đầu kể từ đó.
Trận tấn công năm 1786 của Nguyễn Huệ có ý nghĩa rất to lớn. Từ đây, biên giới sông Gianh bị xóa bỏ, lãnh thổ Đàng Ngoài với Đàng Trong bị chia cách trên hai thế kỷ đã được nối liền, cơ sở quan trọng đầu tiên cho sự thiết lập nền thống nhất quốc gia đã xuất hiện. Từ đây, những tập đoàn phong kiến cát cứ lớn nhất đã hoàn toàn bị tiêu diệt, tức là trở lực lớn nhất của sự nghiệp thống nhất quốc gia không còn nữa. Cũng từ đây, phong trào nông dân Tây Sơn đã gây được ảnh hưởng mạnh mẽ trên khắp cả nước, trở thành trung tâm hội tụ sức mạnh của hàng vạn nông dân bị áp bức trên khắp mọi miền trong cuộc chiến đấu ngoan cường chống cả thù trong lẫn giặc ngoài.
Tháng 8 năm 1786, sau khi dựng lại triều Lê vốn đã rất tàn tạ, Nguyễn Huệ trở về Quy Nhơn. Chuyến này Nguyễn Huệ trở về cùng với Nguyễn Nhạc (Sau khi nhận được tin báo của Nguyễn Huệ là sẽ tiến quân ra Thăng đong, Nguyễn Nhạc rất lo lắng, bèn vội vã đuổi theo. Đến đây, cả hai anh em cùng về Quy Nhơn).
Tượng đài Hoàng Đế Quang Trung
Bảo tàng Quang Trung, Bình Định
9. Tổng chỉ huy trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789, năm 36 tuổi), quét sạch 29 vạn quân Mãn Thanh và bè lũ tay sai phản quốc Lê Chiêu Thống ra khỏi bờ cõi
“Thành Nam thập nhị kình nghê quán.
Chiếu diệu anh hùng đại võ công”
Dịch nghĩa:  
"Thành Nam xác giặc mười hai đống,
Rạng rỡ anh hùng đại võ công"

(
Thơ của Ngô Ngọc Du, một cây bút của văn học thời Tây Sơn)
  • Tình hình Đàng Ngoài sau khi Nguyễn Huệ rút quân về Nam
Một trong những viên tướng có công rất nổi bật đối với Tây Sơn năm 1786 là Nguyễn Hữu Chỉnh. Chính Nguyễn Hữu Chỉnh đã bàn mưu đánh vào quân Trịnh ở Thuận Hóa. Sau chiến dịch Thuận Hóa, chính Nguyễn Hữu Chỉnh đã tiếp tục bàn mưu đưa quân đội Tây Sơn đánh ra Đàng Ngoài, đồng thời là tướng tiên phong của Nguyễn Huệ trong cuộc tấn công táo bạo này. Người đầu tiên đánh vào Vị Hoàng là Nguyễn Hữu Chỉnh. Người đầu tiên đánh vào Thăng Long cũng là Nguyễn Hữu Chỉnh. Và cũng chính Nguyễn Hữu Chỉnh đã bàn với vua Lê Hiển Tông đem Ngọc Hân Công chúa gả cho Nguyễn Huệ. Tóm lại, Nguyễn Hữu Chỉnh đã cố làm tất cả mọi điều, cốt tạo niềm tin đối với Nguyễn Huệ. Nhưng Nguyễn Huệ lại không tin ở con người này, bởi lẽ Nguyễn Hữu Chỉnh đến với Tây Sơn, bất quá chỉ do thất thế và cô thân sau những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái của Đàng Ngoài mà thôi.
Xuất phát từ nhận định về bản chất con người của Nguyễn Hữu Chỉnh như vậy, canh ba (tương ứng với khoảng từ 23 đến 01 giờ) đêm ngày 17 tháng 8 năm 1786, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ sai người vào từ biệt vua Lê (ở đây là Lê Chiêu Thống(1786-1788), cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông) rồi bí mật hạ lệnh cho quân sĩ lặng lẽ trở về Nam, bỏ mặc cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại. Sáng ngày hôm sau, khi Nguyễn Hữu Chỉnh hay tin thì Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã đi xa rồi. Sử cũ viết:
“Sáng ra, Nguyễn Hữu Chỉnh biết tin, vội vàng không biết tính sao, bèn cùng vài chục thủ hạ cướp lấy một chiếc thuyền để đuổi theo. Người trong kinh đô tranh nhau lấy gạch ngói để ném. (Nguyễn) Hữu Chỉnh phải tự tay đâm chết vài chục người mới thoát được thân” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 46, tờ 29).
Tới Nghệ An thì Nguyễn Hữu Chỉnh đuổi kịp quân Tây Sơn, nhưng Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vẫn không cho Nguyễn Hữu Chỉnh theo về Quy Nhơn mà sai ở lại, cùng với Nguyễn Duệ trông coi trấn Nghệ An. Quân Tây Sơn đi rồi, tình hình Thăng Long nói riêng và Đàng Ngoài nói chung trở nên rất bi đát. Đại lược như sau:
- Sau khi Trịnh Khải bỏ chạy, bị bắt rồi tự tử mà chết, hai nhân vật khác của họ Trịnh là Trịnh Bồng và Trịnh Lệ bắt đầu tranh giành quyền được tự lập làm chúa.
+ Phe Trịnh Lệ có Trương Tuân (là ngoại thích của họ Trịnh, người xã Như Kinh, huyện Gia Lâm, nay thuộc Hà Nội), Dương Trọng Khiêm (tức Dương Trọng Tế, người làng Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, nay là xã Lạc Đạo, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên, đỗ Tiến sĩ năm 1754) làm vây cánh, nhưng Dương Trọng Khiêm chỉ theo Trịnh Lệ được một thời gian ngắn, sau thì làm phản, chống lại Trịnh Lệ.

+ Phe Trịnh Bồng có Đinh Tích Nhưỡng làm chỗ dựa.
Trong cuộc tranh giành này, cuối cùng, Trịnh Bồng đã chiếm được phần thắng. Trịnh Bồng tự lập làm Nguyên soái, tước Yến Đô Vương. Từ đấy, cục diện Vua Lê-Chúa Trịnh lại tái lập như cũ.
- Tháng 11 năm 1786, Trịnh Bồng đem quân vây chặt cung vua, định phế bỏ Lê Chiêu Thống. Nhờ có Hoàng Phùng Cơ bảo vệ, Lê Chiêu Thống mới chặn đứng được âm mưu của Trịnh Bồng. Nhân đó, Lê Chiêu Thống ra lệnh triệu Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An về Thăng Long.
- Cuối tháng 11 năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh nhân danh việc phò tá vua Lê, đã đem quân đánh đuổi Trịnh Bồng ra khỏi Thăng Long. Nhờ công lao đó, Nguyễn Hữu Chỉnh được vua Lê Chiêu Thống phong làm Bình Chương Quân quốc Trọng sự, Đại Tư đồ, tước Bằng Trung công. Từ đó, “quyền của Chỉnh ngang với quyền Nhà vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước” (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, hồi thứ 4).
- Tháng 2 năm 1787, do thấy Nguyễn Hữu Chỉnh ngày một lộng quyền, Lê Chiêu Thống định ngầm bỏ thuốc độc để giết đi. Việc này vì có Vũ Trinh (người làng Xuân Quan, huyện Lang Tài, nay đất này thuộc tỉnh Bắc Ninh) can ngăn nên mới thôi. Tuy vậy, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đoán được sự chẳng lành đang rình rập mình, vì thế, bỏ cả việc chầu hầu, thả cửa cho bọn tay chân đi cướp phá. Kinh thành Thăng Long bất an, nhiều người bắt đầu lên tiếng đòi giết Nguyễn Hữu Chỉnh.
Tháng 4 năm 1787, sau khi đã nắm khá đầy đủ những tin tức về hành vi sai trái của Nguyễn Hữu Chỉnh ở Thăng Long, Nguyễn Huệ ra lệnh triệu Nguyễn Hữu Chỉnh về Nam, nhưng, Nguyễn Hữu Chỉnh lấy cớ là Bắc Hà chưa yên, không chịu tuân mệnh. Nguyễn Huệ tức giận, sai Vũ Văn Nhậm (vốn là tướng của Chúa Nguyễn, sau đó đầu hàng Tây Sơn, được Nguyễn Nhạc gả con gái cho, vì thế sử vẫn chép là Phò mã Vũ Văn Nhậm) cầm quân ra Bắc để hỏi tội Nguyễn Hữu Chỉnh.

Trong lúc Vũ Văn Nhậm đang trên đường tiến ra Bắc thì tình hình Bắc Hà ngày một rối ren. Các phe cánh không ngừng tìm cách thanh toán lẫn nhau:
- Dương Trọng Khiêm chạy đến Lạc Đạo (tên làng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), phát hịch kêu gọi khôi phục cơ nghiệp của chúa Trịnh. Nhưng Dương Trọng Khiêm vừa mới khởi sự đã bị Nguyễn Hữu Chỉnh sai tướng là Hoàng Viết Tuyển (người làng Vạn Phân, huyện Đông Thành (nay thuộc Nghệ An) đem quân tới đánh. Dương Trọng Khiêm bại trận, bị bắt và bị giết.
- Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Tây quyết đem quân về Thăng Long để giết Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhưng quân Hoàng Phùng Cơ mới tiến đến Đại Phùng (tên làng, thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã bị tướng của Nguyễn Hữu Chỉnh là Nguyễn Duật (người làng Nộn Liễu, huyện Nam Đường, nay thuộc Nghệ An) đánh bại. Hoàng Phùng Cơ bị bắt và sau đó là bị bức tử.
- Trịnh Bồng được sự hỗ trợ của một tướng như Đinh Tích Nhưỡng, Nguyễn Trọng Mại (người làng Quế Ổ, huyện Quế Dương, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), Phạm Đình Thiện (người làng Bác Trạch, huyện Chân Định, nay thuộc tỉnh Thái Bình) và một số hào mục mà nổi bật nhất là Trần Mạnh Khuông (người làng Đông Quan, huyện Đông Quan, nay thuộc tỉnh Thái Bình) đã nổi binh chống lại Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhưng cũng chỉ sau một trận giao tranh, lực lượng của Trịnh Bồng đã hoàn toàn tan rã, Trịnh Bồng chạy trốn, về sau không rõ sống chết ra sao.
- Tại Cao Bằng, Nguyễn Hàn (người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1779) là người của vua Lê Chiêu Thống và Lưu Tiệp (người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1772) là người của Trịnh Bồng, đem quân đánh giết lẫn nhau. Kết quả là cả nhà Nguyễn Hàn đều bị Lưu Tiệp giết hại, lực lượng ủng hộ Lê Chiêu Thống ở đây hoàn toàn tan rã.
- …
Tháng 11 năm 1787, quân Vũ Văn Nhậm đã tiến khá sâu vào đất Bắt Hà. Trận giao tranh đầu tiên diễn ra tại khu vực sông Thanh Quyết (ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Quân của Nguyễn Hữu Chỉnh nhanh chóng bị đẩy lùi. Sau đó, nhờ có thêm sự trợ giúp của Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm liên tiếp đánh bại những cố gắng của Nguyễn Hữu Chỉnh. Cuối cùng, Nguyễn Hữu Chỉnh bị thua và bị bắt giết. Vũ Văn Nhậm vào Thăng Long còn vua Lê Chiêu Thống thì hoảng hốt bỏ đi bôn tẩu khắp nơi.
Vũ Văn Nhậm vào Thăng Long, tự cho là mình có công to không ai sánh kịp, liền làm nhiều điều sai trái khó có thể dung tha. Vì lẽ đó, tháng 4 năm 1788, đích thân Nguyễn Huệ đã cầm quân ra Bắc bắt giết Vũ Văn Nhậm, sau đó, trao quyền nắm giữ binh quyền ở Bắc Hà cho Ngô Văn Sở. Trước khi rút về Nam, Nguyễn Huệ còn có hai quyết định quan trọng khác. Một là đưa Sùng Nhượng công Lê Duy Cận lên làm Giám Quốc. Giám Quốc là chức trông coi việc cúng tế ở nhà Thái Miếu của triều Lê. Lúc này, Lê Chiêu Thống đã rời Thăng Long mà bôn tẩu khắp đó đây cho nên Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận mới được trao chức ấy. Hai là thành lập một guồng máy chính quyền của Tây Sơn đóng tại kinh đô Thăng Long để cai quản đất Đàng Ngoài. Đứng đầu guồng máy chính quyền này là Ngô Văn Sở. Sát cánh với Ngô Văn Sở trong guồng máy chính quyền này, bên cạnh một số tướng lĩnh của Tây Sơn, còn có một số cựu thần của nhà Lê. Họ là những trí thức nhạy bén với thời cuộc, cũng là những người thực sự giàu nhiệt huyết và tài năng. Chính họ đã có đóng góp rất đáng kể vào những thắng lợi của Tây Sơn sau đó. Chúng ta có thể kể tên sáu nhân vật tiêu biểu sau đây:
  1. Ngô Thì Nhậm (1746-1803) người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ngô Thì Nhậm (Sau, vì vua Tự Đức (1848-1883) tên là Nguyễn Phúc Thì (húy chữ Thì) hiệp là Hồng Nhậm (húy chữ Nhậm) nên tên ông đọc thành Ngô Thời Nhiệm) đỗ Tiến sĩ năm 1775. Ông là con của Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1725-1780).
  2. Phan Huy Ích (1751-1822) người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, nay là xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con của Tiến sĩ Phan Huy Áng (tức Phan Huy Cận (1733-1800), anh của Tiến sĩ Phan Huy Ôn (1755-1786)). Phan Huy Ích đỗ Tiến sĩ năm 1775.
  3. Nguyễn Thế Lịch (1750-1829) tức là Nguyễn Gia Phan, người làng Yên Lũng, huyện Từ Liêm, nay là thôn Yên Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1775.
  4. Ninh Tốn (1744-1790) người làng Côi Trì, huyện Yên Mô, nay là xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, đỗ Tiến sĩ năm 1778. Ông là dòng dõi của Tiến sĩ Ninh Đạt, cháu của Hoàng giáp Ninh Địch.
  5. Nguyễn Du (1754 -?) người làng Viên Ngoại, huyện Chương Đức, nay là xã Viên Ngoại, huyện trung Hòa, tỉnh Hà Tây, đỗ Tiến sĩ năm 1785 (Nhân vật Nguyễn Du này, thảng hoặc cũng có người nhầm với Nguyễn Du là tác giả của Truyện Kiều. Thực ra, đấy là hai nhân vật có lý lịch hoàn toàn khác nhau).
  6. Nguyễn Bá Lan (1757 -?) người làng Cổ Linh, huyện Gia Lâm, nay thuộc Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1785.
Trong sáu nhân vật nói trên, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích (là em rể của Ngô Thì Nhậm. Ngoài mối quan hệ gia đình, họ còn là hai bậc tài hoa có cùng chí hướng và đều được Nguyễn Huệ rất trọng dụng) có vị trí và ảnh hưởng to lớn nhất. Chính Ngô Thì Nhậm là người đã có công rất lớn trong việc tham gia vạch kế hoạch đối phó với quân xâm lược Mãn Thanh.
  • Bước đường cùng của Lê Chiêu Thống

Lê Chiêu Thống tên thật là Lê Duy Kỳ, lại có tên khác là Lê Tư Khiêm, sinh năm 1765. Sử cũ cho biết, Lê Chiêu Thống là con trưởng của Thái tử Lê Duy Vĩ, cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông. Trước đó, Thái tử Lê Duy Vĩ bị Chúa Trịnh Sâm giết hại vào tháng 12 năm 1771. Năm 1786, vua Lê Hiển Tông mất. Trước đó 4 năm (năm 1782), Chúa Trịnh Sâm cũng đã qua đời, triều thần nhân đó đã đưa Lê Duy Kỳ lên nối ngôi. Bấy giờ, Nguyễn Huệ đang có mặt tại kinh thành Thăng Long và thể theo đánh giá của Ngọc Hân về nhân cách của Lê Duy Kỳ, Nguyễn Huệ không thật sự bằng lòng với việc đưa Lê Duy Kỳ lên ngôi. Tuy nhiên, mọi việc sau đó cũng được thu xếp ổn thỏa, chỉ tiếc là quan hệ giữa Nguyễn Huệ với Lê Duy Kỳ vì thế mà gặp nhiều trở ngại. Lê Duy Kỳ vừa rất căm tức, lại vừa rất sợ hãi Nguyễn Huệ.
Từ khi được đưa lên ngôi, Lê Duy Kỳ (lấy niên hiệu là Chiêu Thống, từ đây xin gọi theo cách gọi phổ biến là Lê Chiêu Thống) hầu như không mấy khi được ở yên trong hoàng cung. Nỗi lo lắng về sự trỗi dậy của thế lực ủng hộ họ Trịnh cộng với sự sợ hãi đối với Tây Sơn đã khiến cho Lê Chiêu Thống phải nhiều phen bôn tẩu lao đao. Đường bôn tẩu cũng là đường đắng cay. Dần dần, văn thần và võ tướng đều từ bỏ Lê Chiêu Thống, thậm chí, còn công khai chống lại Lê Chiêu Thống. Chuyện điển hình đáng cười ra nước mắt hơn cả có lẽ là chuyện Lê Chiêu Thống với Nguyễn Cảnh Thước (võ quan, người làng Đô Lương, huyện Nam Đàn, Nghệ An).

Tháng 12 năm 1787, quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy đã tiến ra Thăng Long để hỏi tội Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi nghe tin Nguyễn Hữu Chỉnh thua trận, Lê Chiêu Thống rất bối rối. Bấy giờ có quan giữ chức Tham tri Chính sự là Nguyễn Khuê (người làng Đặng Xá, huyện Chân Phúc, nay thuộc Nghi Lộc, Nghệ An, đỗ Tiến sĩ năm 1787) đến bàn với Lê Chiêu Thống rằng:
“Trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Cảnh Thước, khí chất hùng mạnh và mưu lược hơn người, rất đáng được tin cậy, vậy ta hãy giữ lấy Kinh Bắc làm nơi thủ thế. Nơi đó có thành lũy vững chắc, có sông Cái ( tức sông Hồng) ngăn cách. Từ Kinh Bắc, ta phát lời kêu gọi cần vương thì có thể dễ dàng thông tin đi khắp các xứ, trên thì Thái Nguyên và Sơn Tây, dưới thì Hải Dương và Sơn Nam... chẳng mấy chốc mà có thể tập hợp được đại binh. Sau ta sẽ tùy thời mà hành động, ắt sẽ có ngày phục hưng” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47, tờ 16).
Lê Chiêu Thống nghe theo, bèn đi sang Kinh Bắc (nay đại thể tương ứng với vùng Bắc Ninh và Bắc Giang). Đến nơi, kẻ theo hầu chỉ còn dăm bảy người nữa mà thôi. Nhưng Nguyễn Cảnh Thước cáo bệnh, đóng cửa thành lại, không chịu tiếp đón Nhà vua! Vừa buồn vừa tức, Lê Chiêu Thống đành phải tìm chốn dung thân ở nơi khác. Chẳng dè, vừa đi được một quãng thì “Nguyễn Cảnh Thước tung thủ hạ ra cướp hết mọi của cải do bọn hầu ngự giá mang theo. Chúng còn đuổi theo Nhà vua và lột cả tấm hoàng bào của Nhà vua nữa. Nhà vua đau xót đến rơi cả nước mắt nhưng cũng đành phải cởi ra để trao cho chúng” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47, tờ 17).
Từ đây, Lê Chiêu Thống hết lên ngược lại về xuôi, hết vào Nam lại ra Bắc, gian nan trở ngại không thể nào kể hết. Dưới đây xin theo ghi chép của thư tịch cổ, lược ghi mấy sự kiện chính như sau:
- Tháng 12 năm 1787, sau khi bị thủ hạ của Nguyễn Cảnh Thước cướp bóc hết của cải, Lê Chiêu Thống chạy đến vùng Yên Thế (nay thuộc Bắc Giang), nương nhờ ở một tướng cướp cũ là Dương Đình Tuấn (người làng Dương Lâm, huyện Yên Thế, nay thuộc Bắc Giang).
- Tháng 2 năm 1788, sau một thời gian được Dương Đình Tuấn hết lòng phò tá, Lê Chiêu Thống bỗng lo sợ là Dương Đình Tuấn sẽ ăn ở hai lòng, do vậy bỏ Yên Thế chạy đến Gia Định (nay thuộc Bắc Ninh). Kẻ theo hầu chỉ còn chừng dăm ba người nữa mà thôi.
- Ở Gia Định chỉ được mấy ngày, Lê Chiêu Thống lại chạy về Chí Linh (nay thuộc Hải Dương). Nhờ sự ủng hộ của một số thổ hào địa phương, Lê Chiêu Thống tạm yên được một thời gian ngắn.
- Tướng cũ của Chúa Trịnh là Đinh Tích Nhưỡng lúc bấy giờ đang ở Đông Triều (nay thuộc Quảng Ninh), nghe tin Lê Chiêu Thống ở Chí Linh, liền đem quân tới đánh. Dân binh Chí Linh đánh giết được 2 em của Đinh Tích Nhưỡng là Đinh Vũ Sầm và Đinh Vũ Kính, khiến Đinh Tích Nhưỡng hoảng sợ mà bỏ chạy, Lê Chiêu Thống mới được tai qua nạn khỏi.
- Sau cuộc đụng độ với Đinh Tích Nhưỡng ở Chí Linh, Lê Chiêu Thống chạy ra Thủy Đường (xưa thuộc Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng). Ở Thủy Đường chưa ấm chỗ Lê Chiêu Thống lại chạy vào Vị Hoàng. Nói theo cách nói của sử cũ là Lê Chiêu Thống phải “long đong xuôi ngược, hết sang đông lại lên bắc”.
- Mới đến Vị Hoàng, chưa kịp ổn định nơi ăn chốn ở, Lê Chiêu Thống đã bị Ngô Văn Sở đem quân Tây Sơn tới đánh. Lê Chiêu Thống hốt hoảng chạy đến vùng Quần Anh (tên xã thuộc huyện Nam Chân, nay thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) và tại đây, một trận bão đã nổi lên, chiến thuyền của Lê Chiêu Thống trôi dạt đến Thiết Giáp (tên xã xưa của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Từ Thiết Giáp, Lê Chiêu Thống đi bộ đến Kim Bảng (tên huyện lỵ của huyện Kim Bảng xưa, nay thuộc tỉnh Hà Nam) và sau đó lại đi ra Kinh Bắc.
- Tháng 7 năm 1788, mẹ của Lê Chiêu Thống từ Cao Bằng được sự giúp đỡ của Hoàng Ích Hiểu (người Cao Bằng, xuất thân là võ quan, lúc này đang là Địch Quận công), Lê Quýnh (người làng Đại Mão, huyện Siêu Loại, nay là thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Lê Quýnh là con của Tiến sĩ Lê Doãn Giản và là cháu gọi Tiến sĩ Lê Doãn Thân bằng chú ruột. Tuy nhiên, bản thân Lê Quýnh thì không đỗ đạt gì) và Nguyễn Quốc Đống (người làng Tì Bà, huyện Lang Tài, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Quốc Đống là anh ruột của Hoàng phi Nguyễn Thị Kim (vợ Lê Chiêu Thống), mẹ đẻ đứa con trai của Lê Chiêu Thống được đưa sang Trung Quốc), đã đem con trai của Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc.
- Tại Trung Quốc, mẹ của Lê Chiêu Thống và đám tùy tùng nói trên đã gặp Tôn Sĩ Nghị (võ quan cao cấp của nhà Mãn Thanh, lúc này đang giữ chức Tổng đốc Lưỡng Quảng) và Tôn Vĩnh Thanh (văn thần cao cấp của nhà Mãn Thanh, lúc này đang giữ chức Tuần Phủ tỉnh Quảng Tây). Sử cữ chép rằng:
“Bọn (Tôn) Sĩ Nghị tâu với vua Thanh là Tự Hoàng nhà Lê (chỉ vua Lê Chiêu Thống) đang phải bôn ba, xét nghĩa lớn thì ta nên cứu. Vả chăng, An Nam vốn dĩ là đất xưa của Trung Quốc, cho nên, khi giúp khôi phục được nhà Lê rồi, ta cũng có thể nhân đó mà đặt đồn binh canh giữ. Vậy là ta vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lại được An Nam, thật đúng là làm một việc mà được hai điều lợi” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47 tờ 33; Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 12 cũng chép tương tự).
- Nhận được lời tâu trên, vua Thanh lúc này là Càn Long lập tức đồng ý. Một kế hoạch xua quân sang mượn cớ phù Lê diệt Tây Sơn để xâm lược nước ta nhanh chóng được vạch ra. Nhận được tin này, Lê Chiêu Thống thực sự vui mừng, liền sai tay chân sang Trung Quốc để chuẩn bị đón rước quân Mãn Thanh.
Như vậy là đến đây, Lê Chiêu Thống đã đi từ chỗ chống đối Tây Sơn đến chỗ hại dân và phản quốc. Đời thật khó mà dung tha hành vi nhục nhã này.
  • Quân Thanh sang xâm lược nước ta
Theo lệnh của Càn Long, Tổng đốc Lưỡng Quảng của nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị đã nhanh chóng tổ chức cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Công việc chuẩn bị này bao hàm mấy bước với những nội dung cụ thể như sau:
“Trước hết, tung ra chừng vài trăm tờ hịch để tuyên bố cho gần xa đều biết” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47, tờ 33) việc nhà Thanh sắp sửa xuất quân sang nước ta. Chính Càn Long trong một chỉ dụ gửi cho Tôn Sĩ Nghị cũng đã nói rõ như thế: “Cứ từ từ mà làm, không việc gì phải vội vã, trước hãy truyền hịch để gây thanh thế...” (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30).
- Hạ lệnh cho quan Tri phủ ở Điền Châu giúp đám tay chân của Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, đứng ra tập hợp lực lượng chống Tây Sơn, đồng thời tuyển mộ thêm quân sĩ để sẵn sàng phối hợp với quân của Tôn Sĩ Nghị.
- Nhanh chóng huy động quân lính, sẵn sàng tràn sang nước ta khi có chiếu chỉ của Càn Long. Tôn Sĩ Nghị đã huy động được 29 vạn quân chiến đấu và hàng chục vạn dân phu.
Một trang trong nguyên bản Càn Long chinh vũ An Nam ký
(Bài ký về việc đánh dẹp An Nam thời Càn Long) của Ngụy Nguyên, Trung Quốc
Cuối năm 1788, khi công cuộc chuẩn bị đã tương đối chu tất, Càn Long hạ chiếu phong cho Tôn Sĩ Nghị làm Chinh Man Đại tướng quân, nắm quyền tổng chỉ huy toàn bộ lực lượng quân Thanh sang xâm lược nước ta, Tổng đốc Vân Quý (tức Vân Nam và Quý Châu) là Phúc Khang An chịu trách nhiệm huy động và vận tải lương thực cho đạo quân xâm lược khổng lồ này. Tôn Sĩ Nghị chia quân làm 3 đạo, tiến vào nước ta qua 3 ngả khác nhau:
Đạo thứ nhất do tướng Ô Đại Kinh chỉ huy. Ô Đại Kinh nguyên là Đề đốc ở Vân Nam và Quý Châu. Đạo này từ Vân Nam, qua Mã Bạch Quan (Cửa ải ở biên giới Việt Trung, phía ta thuộc Hà Giang) rồi xuống Hà Giang, Tuyên Quang, băng qua Thái Nguyên, về Hà Bắc và tiến xuống Thăng Long (Chúng tôi kể theo địa danh hiện đại, cốt dễ hình dung).
Đạo thứ hai do Sầm Nghi Đống chỉ huy, tiến vào nước ta qua ngả Cao Bằng. Đạo này, ngoài quân Trung Quốc, còn có cả lực lượng ủng hộ Lê Chiêu Thống đang lưu vong ở Trung Quốc mới được Sầm Nghi Đống tuyển mộ.

Đạo thứ ba là đạo chủ lực, do đích thân Tôn Sĩ Nghị cầm đầu. Dưới trướng của Tôn Sĩ Nghị còn có các tướng khác như:
    1. Đề đốc Hứa Thế Hanh giữ chức Phó tướng.
    2. Tổng binh Thượng Duy Thăng và Tổng binh Khánh Thành chỉ huy các đơn vị bộ binh huy động được từ tỉnh Quảng Tây.
    3. Tổng binh Trương Triều Long và Tổng binh Lý Hóa Long chỉ huy các đơn vị bộ binh huy động được từ tỉnh Quảng Đông.
Đạo thứ ba này tiến vào nước ta qua ngả Lạng Sơn. Ngày 28 tháng 10 năm Mậu Thân (nhằm ngày 25-11-1788 tính theo dương lịch), cả 3 đạo quân nói trên đều nhất loạt xuất phát. Khẩu hiệu hành quân của Tôn Sĩ Nghị là phò Lê diệt Tây Sơn. Chỉ dụ của Càn Long gởi cho Tôn Sĩ Nghị trước lúc Tôn Sĩ Nghị xuất quân đã nói khá rõ mưu đồ của nhà Thanh đối với nước ta lúc bấy giờ:
“Trước hãy truyền hịch để gây thanh thế, sau đó thì để bọn cựu thần nhà Lê về nước tìm Tự Quân của nhà Lê, khiến chúng ra đối địch với Nguyễn Huệ. Giá thử (Nguyễn) Huệ mà bỏ chạy thì cho Tự Quân của nhà Lê đuổi theo, ta chỉ nên đi tiếp ứng mà thôi. Đó là thượng sách vì không khó nhọc mà vẫn thành công.
Người trong nước họ, nếu một nửa theo (Nguyễn) Huệ mà (Nguyễn) Huệ không chịu rút quân, thì phải nhờ thủy binh ở Mân Quảng (vùng Phúc Kiến và Quảng Đông của Trung Quốc) vượt biển đánh vào Thuận Quảng rồi từ đó đánh ra, kế đến bộ binh mới tiến. Hai mặt trước sau đều bị đánh thì tất nhiên (Nguyễn) Huệ phải chịu quy phục. Ta sẽ nhân đó mà ràng buộc cả hai. Từ Thuận Quảng vào Nam thì chia cấp cho Nguyễn Huệ, từ Hoan Ái (vùng từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa ngày nay) trở ra thì chia cấp cho nhà Lê, còn ta thì đóng đại binh ở giữa để kiềm chế cả hai, sau sẽ có cách xử trí khác” (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30).
Trước khi lên đường, Tôn Sĩ Nghị ban bố cho toàn quân 8 điều quân luật, trong đó có những điều luật nói rất rõ về cách đề phòng voi chiến và hỏa hổ (ống phun lửa) của Tây Sơn. Tóm lại, đội quân xâm lược Mãn Thanh vừa rất đông đảo, vừa được chuẩn bị rất chu tất và có quyết tâm rất cao. Một lần nữa, nền độc lập của nước nhà bị đe dọa nghiêm trọng. Cũng một lần nữa, Tây Sơn đứng trước một thử thách hết sức cam go. Thành bại của Tây Sơn lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào thành bại của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mãn Thanh.
  • Tình hình Bắc Hà trước Tết Kỷ Dậu (1789)
Khi quân Thanh bắt đầu tràn vào nước ta, lực lượng ủng hộ Lê Chiêu Thống dần dần ngóc đầu dậy, xã hội Bắc Hà bị phân hóa thành nhiều xu hướng khác nhau. Xu hướng thứ nhất là sẵn sàng sát cánh với Tây Sơn để chống quân xâm lược, chống hành vi phản dân hại nước xấu xa của Lê Chiêu Thống. Xu hướng thứ hai, do bị ảnh hưởng mạnh mẽ của quan niệm về giềng mối chính thống, đã tìm mọi cách để giúp đỡ Lê Chiêu Thống. Xu hướng thứ ba là bi quan và chán nản, họ không đứng về Tây Sơn nhưng cũng không chịu hợp tác với Lê Chiêu Thống. Tất nhiên, đó là ba xu hướng lớn chứ không phải là tất cả các xu hướng nhận thức và ứng xử khác nhau của Bắc Hà đương thời. Bối cảnh ấy đã đặt quân Tây Sơn trước những khó khăn rất lớn. Bấy giờ, Ngô Văn Sở đã có 4 quyết định rất quan trọng:
  1. Một là, cử người về Phú Xuân cấp báo cho Nguyễn Huệ rõ những diễn biến phức tạp của tình hình ở Bắc Hà, đồng thời, xin mệnh lệnh của Nguyễn Huệ.
  2. Hai là, cử một phái đoàn gồm chủ yếu là các cựu thần của nhà Lê như Nguyễn Quý Nha (hiện chưa rõ lai lịch), Trần Bá Lãm (người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đỗ Chế khoa Xuất thân (ngang với Tiến sĩ ) năm 1787), Vũ Huy Tấn (người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương, đỗ đầu khoa thi Hương năm 1768. Thời Quang Trung, làm quan tới chức Thượng thư), Nguyễn Đình Khoan (người huyện Văn Giang, nay thuộc Hưng Yên, đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), Lê Duy Chử (hiện chưa rõ lai lịch), Nguyễn Đăng Đàn (hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết vào tháng 7 năm 1778, ông từng được Chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Sâm cử giữ chức Án sát trấn Yên Quảng - vùng Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay).… đem bức thư ký tên Giám Quốc Lê Duy Cận, cùng với một tờ bẩm ký tên các hào mục nước ta, lên tận biên giới để trao cho Tôn Sĩ Nghị, xin được “nghị hòa”. Đó thực ra chỉ là một trong những biện pháp cốt góp phần làm trì hoãn bước tiến của quân Thanh mà thôi.
  3. Ba là, chấp thuận cho một số võ tướng đem quân lên biên giới sẵn sàng làm nhiệm vụ đánh chặn khi quân Thanh tràn sang nước ta.
  4. Bốn là, tổ chức cuộc hội nghị quân sự cao cấp tại kinh thành Thăng Long nhằm thống nhất về phương hướng đối phó với quân xâm lược Mãn Thanh.
    Tại cuộc hội nghị quân sự cao cấp tổ chức ở Thăng Long, Bộ chỉ huy Tây Sơn đã nhất trí với chủ trương chung là: tạm thời lui quần về Tam Điệp và Biện Sơn (nằm tiếp giáp giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình) để bảo toàn lực lượng, chờ đại quân của Nguyễn Huệ ra rồi mới đánh trận quyết định với quân xâm lược Mãn Thanh. Bởi chủ trương chung này, quân Mãn Thanh đã tràn vào Thăng Long tương đối dễ dàng.
Nghe tin quân chủ lực Tây Sơn đã rút khỏi Thăng Long và đồng bằng Bắc Hà, Tôn Sĩ Nghị rất tức tối. Hắn đổ tội cho Lê Chiêu Thống, cho Lê Chiêu Thống và đám tay chân là hèn nhát và kém cỏi, không làm nên được tích sự gì, và “có Lê Chiêu Thống cũng kể như không”. Lê Chiêu Thống phải cúi đầu năn nỉ mãi, Tôn Sĩ Nghị mới tạm thôi không quở trách nữa (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 13). Vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị đặt đại bản doanh tại cung Tây Long. Đạo quân do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy thì đóng dọc theo bãi cát hai bên bờ sông Nhị, liên hệ với nhau bằng một chiếc cầu phao bắc tạm qua sông. Đạo quân do Sầm Nghi Đống chỉ huy đóng tại Đống Đa (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Đạo quân do Ô Đại Kim cầm đầu đóng tại Sơn Tây. Và một đạo thủy quân nhỏ của Tôn Sĩ Nghị đóng tại Hải Dương. Các đạo thường xuyên liên lạc để sẵn sàng ứng cứu cho nhau khi có lệnh.
Bấy giờ là những ngày cuối năm, Tôn Sĩ Nghị thả lỏng cho quân sĩ mặc sức đi cướp bóc, “tìm cách vu hãm người lương thiện, áp bức nhà giàu có, thậm chí là giữa đường giữa chợ cũng hãm hiếp đàn bà, cướp bóc của cải, không còn biết kiêng sợ gì cả” (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 13). Người đương thời đã phải đau khổ mà than rằng: “Nước Nam ta từ thuở có Đế Vương đến nay, chưa từng thấy ông vua nào luồn cúi đê hèn như thế cả” (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 13).
Nếu đối với Tôn Sĩ Nghị nói riêng và quân Mãn Thanh nói chung, Lê Chiêu Thống tỏ ra “đê hèn” và “luồn cúi” bao nhiêu, thì ngược lại, đối với người trong nước, Lê Chiêu Thống lại tỏ ra hống hách và tàn ác bấy nhiêu. Mượn thế quân xâm lược, Lê Chiêu Thống tìm đủ mọi cách để tác oai tác quái, oán dẫu chỉ như là tơ tóc cũng quyết trả cho bằng được mới thôi. Hành vi đó đã khiến cho xã hội Bắc Hà vốn dĩ đã bị phân hóa lại càng bị phân hóa sâu sắc hơn.
  • Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Quang Trung và đích thân cầm quân ra Bắc
Tại Phú Xuân, ngày 24 tháng 11 (ngày 21/12/1788), Nguyễn Huệ nhập được tin cấp báo của Ngô Văn Sở do Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chuyển đạt về. Tình thế mới buộc Nguyễn Huệ cần phải có những quyết định mới, sắc bén, kiên quyết và phù hợp. Tiêu diệt quân Mãn Thanh và trừng trị tập đoàn Lê Chiêu Thống là quyết tâm tự nhiên và tất nhiên, vì đó là cách duy nhất để bảo vệ độc lập và chủ quyền của đất nước, cũng là cách duy nhất để bảo vệ thành tựu của phong trào Tây Sơn. Nhưng đánh quân Mãn Thanh, đánh một đội quân xâm lăng hùng hậu đang giương ngọn cờ chính trị giả hiệu là phù Lê diệt Tây Sơn, thì trước hết, Nguyễn Huệ phải tạo ra được một ngọn cờ chính trị khác, vừa đủ sức để tập hợp sức mạnh cũng như trí tuệ của nhân dân, lại vừa đủ sức để loại Lê Chiêu Thống ra khỏi vũ đài chính trị. Xuất phát từ sự phân tích rất chính xác đó, ngay ngày hôm sau, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (ngày 22/12/1788), tại Núi Bân (thuộc Phú Xuân), Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Trong tờ chiếu lên ngôi, Nguyễn Huệ nói rất rõ:
“Trẫm đã hai lần gây dựng cho họ Lê, thế mà Tự Quân nhà Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước bôn tẩu ở ngoài, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê mà chỉ trông mong vào Trẫm” (Quang Trung tức vị chiếu).
Toàn cảnh núi Bân, nơi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế (cuối năm 1788)
Ai lên ngôi để được hưởng cuộc sống nhung lụa của Đế Vương, còn Nguyễn Huệ thì khác hẳn. Với việc lên ngôi này, Nguyễn Huệ đã dũng cảm dám nhận trước lịch sử sứ mệnh cực kỳ cao cả và vinh quang, đồng thời cũng vô cùng nguy hiểm, đó là lãnh đạo nhân dân quét sạch quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Cũng với việc lên ngôi này, Nguyễn Huệ là người tuyên bố sự cáo chung của triều Lê và khẳng định mình là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc điều khiển vận mệnh của quốc gia và dân tộc.
Ngay sau khi làm lễ đăng quang, Nguyễn Huệ đã chỉ huy đại quân tiến thẳng ra Bắc. Theo ghi chép của các thư tịch cổ, ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (ngày 26/12/1788), nghĩa là đúng 4 ngày kể từ khi rời khỏi Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã có mặt tại Nghệ An. Đó thực sự là một cuộc hành quân thần tốc rất hiếm thấy trong lịch sử. Đến Nghệ An, Nguyễn Huệ dừng lại 10 ngày để tuyển mộ thêm quân lính. Cũng tại Nghệ An, Nguyễn Huệ đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn, nhằm kiểm tra và biểu dương sức mạnh của quân đội trước khi bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với quân xâm lược Mãn Thanh. Trong cuộc duyệt binh này, Nguyễn Huệ đã dõng dạc tuyên bố:
“Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện đang ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, tất cả đều đã được phân biệt rõ ràng, Bắc Nam hai phương chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã bao phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân ta, vơ vét của cải khắp đất nước ta, cho nên, người mình không ai chịu nổi, đều muốn đánh đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ... Các ngài không nỡ ngồi yên nhìn chúng làm điều tàn bạo, cho nên đã thuận theo lòng người mà dấy nghĩa binh, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về hẳn bên phương Bắc.
… Lợi hại và được thua đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta mà đặt thành quận huyện của chúng, không biết trông gương các đời Tống, Nguyên và Minh thuở xưa, vì thế ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng”
(Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14).
"Chúa công ra chuyến này chẳng qua 10 ngày là giặc Thanh sẽ tan" - Lời đáp Vua Quang Trung của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp
Để kích thích thêm tính chủ quan vốn có của Tôn Sĩ Nghị, từ Nghệ An, Nguyễn Huệ “sai người ruổi ngựa chạy gấp ra, đưa thư xin đầu hàng Tôn Sĩ Nghị, lời lẽ trong thư rất nhũn nhặn, khiêm tốn” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47, tờ 40).

Sau lễ duyệt binh ở Nghệ An, Nguyễn Huệ cho quân tiến gấp ra Thanh Hóa. Đến Thọ Hạc (nay thuộc thị xã Thanh Hóa), Nguyễn Huệ lại long trọng tổ chức lễ thệ sư (Lễ tế cờ và thề trước lúc xuất quân). Tại đại lễ thệ sư này, Nguyễn Huệ tuyên bố:
“Bớ chư quân! Phàm ai bằng lòng chiến đấu thì hãy vì ta giết sạch quân giặc. Nếu ai không muốn thì hãy xem ta giết vài vạn tên trong một trận, đó không phải là chuyện hiếm lạ đâu” (Nguyễn Thu. Lê quý kỷ sự).
 Cũng trong đại lễ thệ sư ở Thọ Hạc, Nguyễn Huệ đã trịnh trọng đọc lời đanh thép của mình trước tướng sĩ và ba quân:
 
“Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho chúng chích luân bất phản,
Đánh cho chúng phiến giáp bật hoàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

Tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ - Thành phố Quy Nhơn

Sách sưa mô tả rằng: “(Nguyễn) Huệ vừa dứt lời, chư quân dạ ran như sấm, rung động cả hang núi, trời đất như muốn đổi màu. Thế rồi chiêng trống khua vang, quân sĩ tiến gấp ra Bắc” (Nguyễn Thu. Lê quý kỷ sự).
Quang Trung đại phá quân Thanh
Ngày 20 tháng chạp năm Mâu Thân (Nhằm ngày 15/1/1789), Nguyễn Huệ đến Tam Điệp và Biện Sơn. Tại Tam Điệp và Biện Sơn, Nguyễn Huệ đã có 4 quyết định rất quan trọng.
  1. Một là, tuyên bố với các tướng lĩnh và văn thần rằng, chủ trương của Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Bắc Hà trước đó về việc tạm lui quân về Tam Điệp và Biện Sơn là hoàn toàn đúng đắn. Lời tuyên bố này có ý nghĩa rất lớn, bởi qua đó, Nguyễn Huệ đã củng cố thêm sự nhất trí ngày càng cao trong nội bộ của mình.
  2. Hai là, truyền hịch đi khắp các địa phương, kể tội Tôn Sĩ Nghị, lên án quân xâm lược Mãn Thanh, nhằm kích thích lòng yêu nước và chí căm thù giặc của nhân dân.
  3. Ba là, tổ chức khao quân, đồng thời tuyên bố rằng: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến mồng 7 tháng giêng vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng như vậy không” (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30).
  4. Bốn là, chia quân làm 5 đạo, đồng thời tấn công vào giặc từ 5 mũi khác nhau:
Đạo thứ nhất là đạo chủ lực, do Nguyễn Huệ trực tiếp thống lĩnh, gồm đủ cả bộ binh, tượng binh và kỵ binh, được trang bị đầy đủ nhất. Cùng tham gia chỉ huy đạo quân này với Nguyễn Huệ còn có Đại Tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân, Hám Hổ hầu (tức Chiêu Viễn Tướng quân). Đạo quân này đánh thẳng vào phía Nam kinh thành Thăng Long, nơi tập trung lực lượng chủ lực của quân Thanh đông đảo nhất.
Đạo quân thứ hai cũng gồm đủ cả bộ binh, tượng binh và kỵ binh, do Đô đốc Đặng Tiến Đông (Tác giả NKT chưa có điều kiện để nghiên cứu riêng về nhân vật Đặng Tiến Đông nên tư liệu về vị tướng này, tác giả tham khảo và sử dụng công trình của GS Phan Huy Lê) chỉ huy. Đạo này có nhiệm vụ đánh vào khu vực đóng quân của Sầm Nghi Đống ở Đống Đa, sau đó tràn vào Thăng Long, đánh vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.
Đạo quân thứ ba do Đô đốc Bảo chỉ huy, gồm kỵ binh và tượng binh. Đội tượng binh trong đạo quân này rất mạnh, khả năng cơ động rất cao. Đạo này có nhiệm vụ đánh vào phía Tây Nam của đồn Ngọc Hồi (nay thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Nội). Với nhiệm vụ này, đạo quân thứ ba chính là lực lượng kết hợp quan trọng nhất đối với đạo chủ lực do Nguyễn Huệ chỉ hủy trong trận tấn công vào Ngọc Hồi.
Đạo quân thứ tư gồm chủ yếu là lực lượng thủy binh do Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy, có nhiệm vụ vượt biển, tiến vào Hải Dương để tiêu diệt thủy binh của giặc tại đây, sau đó, tiến vào Thăng Long, tấn công dinh trại của quân Mãn Thanh dọc hai bên bờ Sông Nhị.
Đạo quân thứ năm cũng gồm chủ yếu là lực lượng thủy binh, do Đô đốc Lộc chỉ huy, vượt biển để tiến ra khu vực sông Lực Đầu. Nếu chiến trận xảy ra ở Thăng Long mà gay go thì đây chính là đạo quân bất ngờ đánh từ phía sau đánh lại. Nếu quân Mãn Thanh ở Thăng Long mà nhanh chóng thất bại thì đây chính là đạo quân có nhiệm vụ đánh chặn đường rút lui của kẻ thù. 
Sơ đồ kế hoạch của Nguyễn Huệ trong trận đại phá quân xâm lược Mãn Thanh
Nhìn tổng quát, kế hoạch của Nguyễn Huệ là kế hoạch tấn công vũ bão, dồn đối phương vào thế bị bao vây và bị tiêu diệt không cách gì chống đỡ nổi. Khác với trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm-Xoài Mút diễn ra vào năm 1785, trong trận quyết chiến chiến lược này, lực lượng chủ yếu của Tây Sơn không phải là thủy binh mà là bộ binh và tượng binh.
    • Trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa, Tết Kỷ Dậu (1789)
Đêm 30 Tết, đại quân của Nguyễn Huệ bắt đầu vượt Gián Khẩu (nơi hợp lưu của sông Sinh Quyết và Đồng Minh trước khi đổ xuống Ngã Ba Non Nước (Ninh Bình).) và bất ngờ tấn công vào dinh trại của quân Lê Chiêu Thống ở vòng ngoài. Bấy giờ, quân bản bộ của Lê Chiêu Thống gần như đã bị buộc phải canh giữ từ xa để quân sĩ của Tôn Sĩ Nghị có thể yên tâm nghỉ ngơi và ăn tết. Vừa giáp chiến, quân của Lê Chiêu Thống đã đại bại và bỏ chạy thục mạng. Nguyễn Huệ ra lệnh cho tướng sĩ của mình truy kích đến cùng, quyết không để một tên nào thoát được.
Quang Trung đại phá quân Thanh

Từ xa, vừa thoáng thấy quân Tây Sơn, những tên lính do thám của Tôn Sĩ Nghị cũng đã vội vã tháo chạy. Nhưng, tất cả bọn chúng đã không sao thoát khỏi cuộc truy nã thần tốc của quân đội Tây Sơn. Khi Nguyễn Huệ tiến đến tận Phú Xuyên, tức là chỉ còn cách Thăng Long hơn ba chục cây số, Tôn Sĩ Nghị và tướng sĩ dưới quyền vẫn chưa hề hay biết gì. Nguyễn Huệ quyết định phải triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ này để tổ chức những trận đánh đầu tiên vào các đồn lũy quan trọng nhất của quân Mãn Thanh.

Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu (ngày 28/1/1789), Nguyễn Huệ cho quân bí mật bao vây đồn Hạ Hồi (nay thuộc xã Hồng Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội). Đây là đồn nằm chắn ngang đường thiên lý từ Phía Nam ra Thăng Long. Phá được đồn Hạ Hồi có nghĩa là phá được vị trí tiền tiêu quan trọng nhất, đồng thời phá được cánh cửa bảo vệ mặt Nam của Thăng Long. Sau khi đã bí mật bao vây xong đồn Hạ Hồi, Nguyễn Huệ cho bắc loa gọi hàng. Tiếng loa vừa dứt, quân sĩ của Nguyễn Huệ liền đồng thanh cất tiếng dạ nhiều lần, chợt nghe cứ tưởng là có đến hàng vạn người đã khép kín vòng vây dày đặc ở bốn bên. Quân Thanh trong đồn Hạ Hồi rụng rời hồn vía, lập tức kéo nhau ra xin hàng (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14). Đồn Hạ Hồi bị tiêu diệt vừa rất nhanh, vừa rất gọn. Nguyễn Huệ thu được không biết bao nhiêu là lương thực, thực phẩm, vũ khí và các chiến lợi phẩm khác. Sau thắng lợi của trận Hạ Hồi, Nguyễn Huệ đóng quân tại cánh đồng Cung (cũng thuộc xã Hồng Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) và tại đây, một kế hoạch tấn công vào Ngọc Hồi đã nhanh chóng được xây dựng.



Tuy cùng án ngữ đường thiên lý dẫn vào Thăng Long, song, Ngọc Hồi có vị trí quan trọng hơn hẳn Hạ Hồi. Đồn Ngọc Hồi (nay thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) chỉ cách Thăng Long hơn 10 cây số. Tại đây, lực lượng quân Mãn Thanh rất đông, vũ khí rất đầy đủ và lương thực cũng rất dồi dào. Chỉ huy quân Thanh ở Ngọc Hồi là Đề đốc Hứa Thế Hanh - Phó tướng của đạo quân thứ ba do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp cầm đầu. Và điều quan trọng hơn nữa là quân Thanh trong đồn Ngọc Hồi đã biết đồn Hạ Hồi thất thủ, nên yếu tố bất ngờ tấn công của Tây Sơn đến đây không còn nữa. Cũng khác với Hạ Hồi, đồn Ngọc Hồi rất kiên cố. Nhìn tổng thể, đồn Ngọc Hồi gồm có 3 lớp khác nhau. Ngoài cùng là bãi chướng ngại vật, gồm cạm bẫy, chông sắt và cả địa lôi (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47, tờ 41 và Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30). Đó là chưa kể ao Thọ Am ở phía Đông Nam cũng có giá trị như một bãi chướng ngại tự nhiên rất lợi hại. Nếu tính từ ngoài vào, sau bãi chướng ngại vật là chiến lũy và trong chiến lũy là dinh trại của quân Thanh.

Theo ghi chép của một số thư tịch cổ, chúng ta có thể ước đoán tổng số quân Thanh trong đồn Ngọc Hồi vào khoảng vài ba vạn tên (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14; Lê Trọng Hàm. Minh đô sử, quyển 44). Cùng tham gia chỉ huy quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi, dưới trướng của Đề đốc Hứa Thế Hanh còn có một loạt các tướng lĩnh cao cấp khác. Đó là:
  1. Tổng binh Thượng Duy Thăng.
  2. Tổng binh Khánh Thành.
  3. Tổng binh Trương Triều Long.
  4. Tổng binh Lý Hóa Long.
Sơ đồ diễn biến trận Ngọc Hồi - Đống Đa

Bản thân việc tập trung quân số và tướng lĩnh cao cấp này cũng đã đủ để khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Ngọc Hồi. Đó là chưa nói rằng, ngay sau khi nhận được tin đồn Hạ Hồi thất thủ, Tôn Sĩ Nghị còn điều động thêm một loạt quân sĩ, do Tổng binh Thang Hùng Nghiệp cầm đầu, đến để tăng cường cho Ngọc Hồi. Tóm lại, Ngọc Hồi có giá trị như một cánh cửa sắt che chở cho Tôn Sĩ Nghị, như một quyết chiến điểm chiến lược của quân Mãn Thanh.
Về phần mình, Nguyễn Huệ đã cho đại binh áp sát đồn Ngọc Hồi, nhưng chưa đánh ngay. Nếu Nguyễn Huệ bình tĩnh bao nhiêu thì quân Thanh lại luôn ở trong tình trạng căng thẳng bấy nhiêu. Ngay trong đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu, quân Thanh đã liên tục bị báo động. Chúng mệt mỏi chờ đợi suốt một phần của đêm mồng 3, nguyên ngày mồng 4 và cả đêm mồng 4 Tết Kỷ Dậu (ngày 29/1/1789). Mãi đến sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, cuộc tấn công của Nguyễn Huệ vào đồn Ngọc Hồi mới bắt đầu. Tham gia trận đánh này lực lượng của Tây Sơn gồm có:
- Toàn bộ đạo quân do Nguyễn Huệ trực tiếp cầm đầu.
- Toàn bộ đạo quân do Đô đốc Bảo chỉ huy.
Truyền thuyết dân gian vùng Thường Tín (Hà Nội) kể rằng, khuya mồng 4 Tết, Nguyễn Huệ hạ lệnh cho quân sĩ phải ăn thật no, ăn xong thì bỏ hết dụng cụ nấu nướng và lương thực lại, hẹn đến trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30/1/1789) thì vào ăn trong đồn Ngọc Hồi. Khi xuất trận, toàn quân Tây Sơn giương cờ đỏ, quân sĩ thắt khăn đỏ, còn Nguyễn Huệ thì thắt khăn vàng.

Bấy giờ, Tôn Sĩ Nghị vừa nghe tin Hạ Hồi thất thủ, chưa kịp nghĩ cách ứng phó gì đã nghe tin cấp báo của Ngọc Hồi. Sử cũ mô tả rằng, quân sĩ của Tôn Sĩ Nghị thì thán phục mà nói với nhau: “Tướng (Tây Sơn) như trên trời rơi xuống, quân (Tây Sơn) như dưới đất chui lên”, còn bản thân Tôn Sĩ Nghị thì rút kiếm chém xuống đất và nói: “Thần tốc, thật là thần tốc!” (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14). Ngay sau đó, Tôn Sĩ Nghị điều ngay một đội kỵ binh thân cận của mình đến và giao nhiệm vụ thông tin thường xuyên giữa Ngọc Hồi với đại bản doanh.
Cuộc tấn công vào Ngọc Hồi của quân đội Tây Sơn được mở đầu bằng cuộc xuất trận của hơn 100 voi chiến. Nguyễn Huệ là người có đầu óc cải tiến rất táo bạo. Lần đầu tiên, đại bác được bố trí trên lưng voi, và do đó, voi chiến của Tây Sơn tung hoành chẳng khác gì xe tăng hiện đại. Ngoài ra, tượng binh của Tây Sơn còn được trang bị thêm cả hỏa hổ, súng tay và giáo mác, cung nỏ... Đề đốc Hứa Thế Hanh hạ lệnh cho đơn vị kỵ binh mạnh nhất của giặc ở Ngọc Hồi ra nghênh chiến. Nhưng, vừa thoáng thấy voi chiến, ngựa của đối phương đã “hốt hoảng hí lên rồi chạy lồng trở lại, giẫm đạp lên nhau” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47, tờ 41). Giặc chui vào đồn, nã đại bác vào quân Tây Sơn rất dữ dội nhưng vẫn không sao lung lay nổi thế trận của Tây Sơn. Đợt tấn công thứ nhất tạm kết thúc với thất bại bước đầu thuộc về quân Thanh.
Cũng ngay trong buổi sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ tổ chức đợt tấn công thứ hai vào Ngọc Hồi. Đợt này cũng được mở đầu bằng cuộc xông trận của voi chiến, nhưng khác với đợt thứ nhất, ở đợt thứ hai này voi chiến đóng vai trò mở đường cho quân cảm tử tràn lên. Theo mô tả của sử cũ (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14) thì cứ mỗi tốp có 30 người: 10 người giắt đoản đao bên hông, cùng nhau khiêng 1 tấm bảng lớn, phía ngoài có cuốn rơm tẩm bùn để chặn mũi tên của giặc; 20 người còn lại thì núp phía sau tấm ván che nói trên rồi nhất loạt cùng tiến. Số quân cảm tử của Nguyễn Huệ tham gia tấn công Ngọc Hồi đợt thứ hai này gồm chừng 600 người (20 tốp). Đáp lại, quân Thanh liên tục nã đại bác và phun hỏa mù ra, khiến cho “khói lửa mù trời, gần nhau trong gang tấc mà cũng thẳng thấy gì cả” (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14). Tiến ngay sau voi chiến và quân cảm tử, đại binh của Tây Sơn cũng rầm rộ tràn vào. Những bó rơm lớn được dùng làm tấm đỡ, kẻ trước người sau đều liều chết mà đánh (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47, tờ 41). Lũy Ngọc Hồi bị phá và Nguyễn Huệ dẫn đại binh đánh thẳng vào dinh trại giặc. Đồn Ngọc Hồi tan tành. Giặc chết chồng chất lên nhau (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14)). Tổng chỉ huy quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi là Hứa Thế Hanh cùng với Tổng binh Thượng Duy Thăng bị giết tại trận.
Sơ đồ vị trí Ngọc Hồi - Đầm Mực
Quân sĩ Mãn Thanh sống sót ở đồn Ngọc Hồi chạy thục mạng về Thăng Long. Nhưng vừa đến Yên Duyên (nay thuộc thôn Sở Hạ, xã Ninh Sở, huyện Thơờng Tín, Hà Nội) thì lập tức bị một đạo quân Tây Sơn đã được Nguyễn Huệ bố trí mai phục sẵn, đánh cho một trận tơi bời, lại bị giết không biết bao nhiêu mà kể. Số sống sót lại liều chết tìm đường chạy nhanh về Thăng Long. Nhưng, đến Đầm Mực (nay thuộc xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) thì gặp quân mai phục do Đô đốc Bảo bố trí sẵn. Và một trận đánh đã diễn ra tại đây. Toàn bộ quân giặc chạy đến vùng Đầm Mực đều bị giết hoặc bị bắt sống. Như vậy là chỉ với một buổi sáng, quân Tây Sơn đã đập tan đồn Ngọc Hồi, mở tung cánh cửa sắt che chở mặt Nam kinh thành Thăng Long để rồi nhanh chóng tiến thẳng vào sào huyệt của giặc. Đây là trận phối hợp tuyệt vời giữa hai binh chủng chính là bộ binh và tượng binh, đây cũng là trận kết hợp chặt chẽ giữa tấn công trực diện với bí mật bao vây và tiêu diệt. Đè bẹp được lực lượng quân Mãn Thanh ở Ngọc Hồi cũng có nghĩa là Tây Sơn bắt đầu nắm được phần đại thắng ở trong tay.

Đồng thời với cuộc tấn công vào Ngọc Hồi, đạo quân Tây Sơn do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy cũng đánh mạnh vào Đống Đa. Cầm đầu quân Mãn Thanh ở Đống Đa là Sầm Nghi Đống. So với những tướng lĩnh cao cấp dưới trướng của Tôn Sĩ Nghị thì Sầm Nghi Đống kém cỏi hơn cả. Quân do tướng Sầm Nghi Đống quản lĩnh cũng chủ yếu là quân ô hợp. Nhưng do đóng giữ ở một vị trí thuận lợi, lại ở ngay cửa dẫn vào Thăng Long (Đó là cửa ô Thịnh Quang, tức là cửa ô Thịnh Hào, nay là Ô Chợ Dừa thuộc quận Đống Đa, Hà Nội), Sầm Nghi Đống có không ít lợi thế. Tổ chức tấn công vào Đống Đa không đơn giản một chút nào cả. Tương tự như ở Ngọc Hồi, quân Tây Sơn đánh vào Đống Đa do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy gồm chủ yếu là bộ binh và tượng binh. Quân số Tây Sơn tuy không đông nhưng rất tinh nhuệ và linh hoạt. Vào khoảng cuối canh tư  (Khoảng gần 3 giờ sáng) của đêm mồng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30/1/1789), cuộc tấn công vào Đống Đa bắt đầu. Chỉ trong chốc lát, hàng ngàn quân Thanh đã bị giết, Sầm Nghi Đống hốt hoảng chui vào đồn cố thủ để chờ viện binh. Đúng lúc đó, nhân dân các địa phương ở chung quanh đã lấy rơm rạ bện thành con cúi (Người xưa thường dùng rơm bện lại thành từng lọn dài ngắn khác nhau để dùng vào việc xin lửa khi nhà chẳng may không còn lửa. Những lọn rơm hoặc rạ như thế, gọi là con cúi), châm lửa vào, cầm lên rồi vừa đi vừa múa. Khi ấy, sương mù còn dày đặc, xa trông, những con cúi đã châm lửa ấy chẳng khác gì rồng lửa, vì thế, gọi là hỏa long trận. Tuyệt vọng vì biết không thể nào chống đỡ nổi, Sầm Nghi Đống đã thắt cổ tự tử. Hàng trăm thuộc hạ trung thành cửa Sầm Nghi Đống cũng tự sát theo chủ (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47, tờ 41). Đống Đa bị hạ, đường Tây Sơn tiến thẳng vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị đã thênh thang.
Bấy giờ, Tôn Sĩ Nghị liên tiếp nhận được tin bại trận từ khắp nơi truyền về, chưa kịp nghĩ cách ứng phó thì đã thấy bốn bề lấp loáng hỏa long trận và những đơn vị đầu tiên của quân Tây Sơn dũng mãnh xông vào. “Ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn kỵ binh của mình bỏ trốn trước, qua cầu phao, nhằm thẳng hướng bắc mà chạy thục mạng” (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14) đó là hình ảnh thảm hại của Tôn Sĩ Nghị sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Quân Mãn Thanh thấy chủ tướng chạy thì cũng tranh nhau tìm đường chạy theo. “Chúng tranh nhau qua cầu để sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống nước chết không biết bao nhiêu mà kể” (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14). Sợ quân Tây Sơn cũng sẽ dùng cầu phao mà vượt sông truy đuổi, Tôn Sĩ Nghị đã hạ lệnh chặt đứt cầu phao. Hành động tàn ác đó đã khiến cho hàng vạn quân lính của Tôn Sĩ Nghị bị chết đuối, “nước sông Nhị vì thế mà tắc nghẽn, không chảy được” (Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14). Số quân Thanh còn kẹt lại ở bờ Nam thì đi cướp giật thuyền của dân mà sang bờ Bắc, nhưng quân đông mà thuyền ít, chúng tranh giành nhau, chém giết nhau, khiến thuyền chìm, người chết. Và đúng lúc chúng đang hoảng sợ đến tột độ thì quân Tây Sơn ập tới. Tất cả đều bị giết hoặc bị bắt làm tù binh. Đó thực sự là một ngày thảm hại. Về sau, ngày thảm hại này được Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái khái quát bằng 4 câu thơ Nôm (phiên âm) như sau:
"Vua Lê khi ấy vội vàng,
Cùng Tôn Sĩ Nghị sang đàng Bắc Kinh.
Qua sông lại sợ truy binh,
Phù kiều (cầu phao) chặt đứt, quân mình thác oan "
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Khi đã qua được sông Hồng, chúng cứ ngỡ là có thể yên tâm chạy một mạch về Trung Quốc, chẳng dè, chưa kịp hoàn hồn thì đã bị quân Tây Sơn do Đô đốc Lộc chỉ huy, xông tới đánh cho mấy trận kinh hoàng nữa. Rất tiếc cho Tây Sơn và cũng rất may cho tàn quân của Tôn Sĩ Nghị, ấy là do gặp bão, đạo quân do Đô đốc Lộc chỉ huy đến có phần chậm hơn so với kế hoạch đã định vì thế, không kịp bố trí để có thể bịt kín mọi ngả tháo chạy của quân Thanh. Theo nhận định của một giáo sĩ phương Tây thì số quân Thanh chạy thoát và về được Trung Quốc chỉ độ ba bốn chục tên mà thôi (De la Bissachère. État actuel du Tonkin, de la Cochinchine et des autres royaumes de Cambodge, Lao et Lạc Thổ.-Paris, 1812.-T. 2, P.170).
Đạo thủy binh nhỏ của Mãn Thanh đóng ở Hải Dương cũng bị tiêu diệt gọn. Đáng được coi là may mắn hơn cả có lẽ là đạo quân Mãn Thanh do Ô Đại Kinh cầm đầu. Hắn tiến rất chậm, do đó, khi mới đến Sơn Tây, chưa kịp ổn định nơi đóng quân thì đã nghe tin Tôn Sĩ Nghị đại bại. Từ Sơn Tây, Ô Đại Kinh lập tức cho quân chạy về phương Bắc. Nhưng, đạo quân này cũng bị các đội dân binh ở Tuyên Quang đánh cho tơi bời, khiến đội ngũ bị rối loạn, thất lạc và không liên hệ được với nhau.
Lễ hội Chiến thắng Đống Đa - Hà Nội
Ý chí xâm lăng của nhà Mãn Thanh đối với nước ta trao gởi ở 29 vạn quân do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu đã bị đè bẹp hoàn toàn. Ngọc Hồi - Đống Đa đi vào lịch sử dân tộc với ý nghĩa là tên gọi hào hùng của võ công chống xâm lăng oanh liệt vào hàng bậc nhất. Sau Ngọc Hồi - Đống Đa, Lê Chiêu Thống buộc phải sống lưu vong đầy tủi nhục trên đất Trung Quốc để rồi mất ở đó vào tháng 10 năm 1793, khi vừa mới 28 tuổi. Cũng sau Ngọc Hồi - Đống Đa, nhà Thanh buộc phải thừa nhận ngôi vị và chính quyền của Quang Trung Nguyễn Huệ.

10. Quang Trung - vị Hoàng Đế của những cải cách tích cực và táo bạo

 Khi quân Mãn Thanh và bè lũ Lê Chiêu Thống đã bị quét sạch khỏi bờ cõi, cơ đồ mà Quang Trung Nguyễn Huệ tiếp nhận được chỉ là sự điêu tàn và đổ nát. Với cương vị là Hoàng Đế, Quang Trung đã ban hành một loạt những biện pháp nhằm nhanh chóng giải quyết những khó khăn chồng chất của đất nước đương thời.
 
 
 
  
Tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ - Thành phố Quy Nhơn

Trước hết, Quang Trung tìm cách thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo với nhà Thanh, tránh họa binh đao lâu dài cho nhân dân hai nước. Việc này, Quang Trung đã chuẩn bị ngay từ khi mới đến Tam Điệp và Biện Sơn. Sử cũ chép:
“Lần này ta đích thân cầm quân, kế sách tiến đánh đều đã có sẵn, chẳng qua chỉ độ 10 ngày là đánh đuổi được quân Thanh. Nhưng chúng là nước lớn gấp 10 nước mình, sau khi bại trận thì ắt lấy làm xấu hổ nên lo đánh báo thù, thế thì việc binh đao sẽ chẳng biết bao giờ dứt, ta thật không nỡ vì như thế là không may cho dân. Vậy, khi ấy chỉ có người khéo nói mới mong dập tắt được binh đao. Ta thấy việc này, ngoài Ngô Thì Nhậm ra, chẳng ai làm được (Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14).).
Chân dung “Giả Vương” Phạm Công Trị do Càn Long sai người vẽ

Quả y như rằng, sau chiến thắng, Ngô Thì Nhậm và em rể ông là Phan Huy Ích được Quang Trung giao trách nhiệm chỉ huy những hoạt động nhằm thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo với nhà Mãn Thanh. Chủ trương của Hoàng Đế Quang Trung là phải thật mềm mỏng, nhưng cũng phải thật kiên quyết. Mềm mỏng là mềm mỏng trong sách lược, trong từng bước đi cụ thể, còn kiên quyết là kiên quyết trong mục tiêu bảo vệ đến cùng nền độc lập và chủ quyền mà cả dân tộc ta phải đổi không biết bao nhiêu xương máu mới giành lại được. Và Quang Trung đã thành công (Đã có người nhầm lẫn rằng Quang Trung phải sang chầu vua Càn Long. Thực ra, người sang chầu Càn Long chỉ là giả vương (người đóng giả Quang Trung), tên là Phạm Quang Trị. Điều này, chính Mãn Thanh cũng biết, nhưng rồi cũng phải... “ngậm bồ hòn làm ngọt”).  
Tây Sơn Triều đường chi ấn của Vua Quang Trung
Đối với bọn phản loạn ngoan cố, Quang Trưng thẳng tay trừng trị. Bấy giờ, lực lượng phản loạn đáng kể hơn cả vẫn là lực lượng do Lê Duy Chỉ (em ruột Lê Chiêu Thống) cầm đầu. Năm 1790, Lê Duy Chỉ đã tạo ra được một mối liên minh nguy hiểm, gồm có Lê Duy Chỉ ở Cao Bằng, quân Xiêm và quân Lào ở mặt Tây, quân Nguyễn Ánh ở mặt Nam. Năm 1791, quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy đã tràn sang Lào, đánh tan và truy đuổi quân Xiêm đến biên giới Xiêm La.
Khi ấy, vùng đất do Quang Trung quản lý gồm từ Bến Ván (Quảng Nam) trở ra cho đến hết miền Bắc. Trên dải đất đó, lúc đầu Quang Trung đóng đô tại Phú Xuân (Huế ngày nay), nhưng về sau, Quang Trung đã chọn đất định đô mới cho triều đại của mình tại Nghệ An. Đó là Phượng Hoàng Trung Đô. Rất tiếc là Phượng Hoàng Trung Đô đang kiến thiết dở dang thì Quang Trung qua đời.  

Phượng Hoàng Trung Đô

Trong khoảng từ năm 1789-1792, Quang Trung đã ban hành nhiều chính sách lớn, tạo ra được những ảnh hưởng rất tốt đẹp. Ngay đầu năm 1789, Quang Trung đã ban hành Chiếu Khuyến nông với những nội dung rất cụ thể như: kêu gọi nhân dân tích cực sản xuất, không được bỏ ruộng hoang, người đi phiêu tán phải trở về quê cũ... Quang Trung trọng nông (coi trọng sản xuất nông nghiệp), nhưng không ức thương (ức chế sự phát triển của thương mại). Đó là điểm độc đáo trong chính sách kinh tế của Quang Trung. Và cũng dưới thời Quang Trung, các ngành kinh tế thủ công nghiệp đều có cơ hội để phát triển.
Trong văn hóa, Quang Trung đặc biệt coi trọng việc học. Đầu năm 1789, với Chiếu Lập học, Quang Trung đã thể hiện khá rõ hoài bão lớn của mình về việc mở mang nền giáo dục. Đặc biệt, Quang Trung rất đề cao chữ Nôm, muốn biến chữ Nôm thành chữ viết chính thức của nước nhà. Chính Quang Trung đã quyết định thành lập Viện Sùng Chính (cơ quan chuyên trách về giáo dục của triều đình, đồng thời cũng là cơ quan chuyên lo phiên dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm.) 

Bút tích của Nguyễn Huệ
Tuy bận rộn với ngổn ngang công việc, nhưng Quang Trung vẫn không quên lưu tâm đến hoạt động của các tôn giáo, đến sự có mặt của các giáo sĩ phương Tây ở nước ta. Nhìn chung, thái độ của Quang Trung là rất chân thành.
Sau khi tình hình trong vùng đất do Quang Trung quản lý đã tương đối ổn định, Quang Tnmg quyết định dốc lực lượng đánh trận cuối cùng với Nguyễn Ánh. Bấy giờ, Nguyễn Lữ đã mất, Nguyễn Nhạc thì cầu an, tự mãn..., chỉ có Quang Trung mới có thể đảm nhận được trọng trách này. Đằng sau Nguyễn Ánh lúc này còn có cả thực dân phương Tây và quan trọng hơn, Nguyễn Ánh đã chiếm lại được Gia Định, biến Gia Định thành một sào huyệt kiên cố và nguy hiểm. Trước khi xuất quân, ngày 10 tháng 7 năm Nhâm Tuất (ngày 27/8/1792), Quang Trung đã truyền hịch đến nhân dân cùng quan lại 2 phủ Quy Nhơn và Quảng Ngãi. Nhưng rất tiếc là khi công việc chuẩn bị đang được tiến hành một cách khẩn trương và thuận lợi thì đêm ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (ngày 16/9/1792), Quang Trung đột ngột qua đời. Năm đó Quang Trung vừa 39 tuổi.  
Kiếm và đại đao - Bảo tàng Quang Trung, Bình Định

Một cuộc đời chỉ có 39 tuổi xuân, nhưng Quang Trung đã có 22 năm tả xung hữu đột, 22 năm đánh Nam dẹp Bắc, khiến cho thù trong phải bạt vía, giặc ngoài phải kinh hồn; 22 năm Quang Trung chỉ có tiến chứ chưa hề lùi, dù chỉ là lùi một bước ngắn; 22 năm Quang Trung chỉ có thắng chứ chưa hề bại, dù chỉ là bại một trận nhỏ.
Vị anh hùng kiệt xuất này ra đi, để lại cả một sự nghiệp lớn đang dở dang, để lại niềm kính trọng và thương tiếc khôn nguôi cho lớp lớp những thế hệ nhân dân yêu nước
.
Tượng thờ Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ - Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bình Định
Nối ngôi Quang Trung là Quang Toản. Khi lên nối ngôi, Quang Toản mới được tròn 10 tuổi. Bấy giờ, đất nước đang chồng chất những khó khăn mà Quang Toản thì quá nhỏ tuổi, không đủ năng lực và uy tín để điều khiển triều chính, đã thế nội bộ triều đình lại mất đoàn kết ngày càng nặng, và chính điều này đã vô tình tạo cơ hội tốt cho Nguyễn Ánh tổ chức phản công. Tháng 10 năm 1802, Quang Toản bị Nguyễn Ánh giết.  
 
 
Tượng Quang Trung Nguyễn Huệ - Bảo tàng Quang Trung, Bình Định

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments